MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế đã bước vào "quỹ đạo tăng trưởng mới"?

Theo một số nhận định gần đây, với mức tăng trưởng vượt mọi mong đợi 6,81% của năm 2017, đặc biệt là tăng trưởng đột biến quý 1/2018 tới 7,38% - mức cao nhất trong hơn mười năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng, phát triển mới. Tuy nhiên vẫn có những kiến khác lại cho rằng nhận định đó là quá chủ quan.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Vậy kinh tế nước ta đã thực sự đang bước vào "quỹ đạo tăng trưởng mới" hay chưa? Chúng ta đang phải đối mặt với điều gì và làm gì để đà tăng trưởng ấy được giữ vững…? Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng về vấn đề này.

PV: Thưa Giáo sư, nền kinh tế nước ta năm 2017 đã tăng trưởng 6,81% vượt mong đợi, quý I năm 2018 tăng trưởng 7,38%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Có nhiều người cho rằng chúng ta đã bước sang "quỹ đạo tăng trưởng mới", còn ông nhận định thế nào?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Diễn biến tăng trưởng kinh tế các quý cuối năm 2017 và quý 1 năm 2018 đang rất khả quan. Nền kinh tế trong các quý vừa qua đang trên đà tăng trưởng mạnh. Về phía cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều thuận lợi và đang có sự bứt phá. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì được đà sản xuất và tiếp tục là điểm sáng, khai khoáng đã có mức tăng trưởng không âm, du lịch tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Về phía cầu, xuất khẩu tiếp tục có mức tăng cao, tiêu dùng tăng trưởng ổn định.

Có được kết quả này là do nền kinh tế đang duy trì được đà tăng trưởng tốt và cùng với đó là nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Nghị quyết 01/NQ-CP đã có hiệu ứng lan tỏa kịp thời tới mọi cấp, mọi ngành và đã hạn chế được khá nhiều tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vội vã".

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về khả năng liệu kinh tế có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo hay không? Quý 1 năm 2018 có tăng trưởng đột biến trong hơn 10 năm qua một phần vì đây là tăng trưởng so với quý 1 năm 2017 là mức tăng trưởng theo quý thấp trong nhiều năm gần đây. 

Nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về khả năng liệu kinh tế có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo hay không? Quý 1 năm 2018 có tăng trưởng đột biến trong hơn 10 năm qua một phần vì đây là tăng trưởng so với quý 1 năm 2017 là mức tăng trưởng theo quý thấp trong nhiều năm gần đây. 

Các dự báo hiện tại của các chuyên gia và tổ chức kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa lạc quan nhiều về tính bền vững của các động lực tăng trưởng hiện tại, vẫn đưa ra các dự báo về khả năng tăng trưởng "ngược" của các quý tiếp theo trong năm nay (thấp hơn quý 1). Dự báo tăng trưởng cả năm vẫn dao động trong khoảng 6,6 – 6,9%. Như vậy nền kinh tế trong năm qua và hiện tại vẫn chỉ đang có dấu hiệu thoát khỏi "vùng trũng" tăng trưởng (dao động từ 5,5 - 6,5%) trong một số năm gần đây, và tôi cho rằng chưa có tín hiệu rõ ràng đã bước sang quỹ đạo tăng trưởng mới.    

Vậy nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn gì thời gian tới khiến các dự báo tăng trưởng còn e dè, thưa ông?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Nền kinh tế đang đối diện khá nhiều thách thức. Về cơ bản mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa đổi mới rõ nét. Đa số các phân tích về triển vọng lạc quan của nền kinh tế vẫn trông chờ vào sự gia tăng về đầu tư, tức là vẫn dựa trên mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, trong khi  chất lượng tăng trưởng chưa có cải thiện, chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp, tốc độ tăng năng suất lao động lại có xu hướng giảm, các thách thức khác như dư địa chính sách tài chính và tiền tệ đang bị thu hẹp, hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Lạm phát năm nay tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

Nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới? - Ảnh 2.

Thêm vào đó, các biện pháp bảo hộ thị trường ở một số nước, đặc biệt là Mỹ tiếp tục gia tăng sẽ là rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thời tiết, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn có thể có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. 

Nguồn FDI hiện được coi là động lực tăng trưởng chính, nhưng sản xuất của khu vực này chủ yếu mang tính gia công và gây ô nhiêm môi trường, động lực từ khu vực này vẫn được coi là đóng góp chưa bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam, dễ đẩy nền kinh tế vào "bẫy thu nhập thấp" của chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình "tăng trưởng hộ" các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông, khi nào thì nền kinh tế được coi là  "đã bước sang quỹ đạo tăng trưởng mới"?

GS. TS Trần Thọ Đạt: Quỹ đạo tăng trưởng mới hàm ý một con đường tăng trưởng mới khác trước và ở mức cao hơn. Muốn được như vậy, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế phải duy trì được nhịp tăng bền vững và xuất hiện những động lực tăng trưởng mới mang tính dẫn dắt (năng suất tăng, năng suất nhân tố tổng hợp TFP tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện rõ nét,…) . Còn nếu một nền kinh tế vẫn chỉ dựa vào sự gia tăng về số lượng các đầu vào truyền thống như vốn tín dụng và lao động thông thường thì sớm muộn cũng sẽ gặp phải tình trạng "lợi tức cận biên giảm dần" và không tạo được và duy trì nhịp tăng trưởng cao và bền vững. 

Nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới? - Ảnh 3.

Đối với nền kinh tế nước ta, một nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn thì phải đạt được tốc độ tăng trưởng từ 7-8% trong 2-3 năm thì mới có thể được coi là "đã bước sang quỹ đạo tăng trưởng mới" (một số nghiên cứu gần đây ước tính tăng trưởng sản lượng tiềm năng của Việt Nam ở mức trên 7%). GDP bình quân đầu người của ta năm 2017 là 2.300 USD là thuộc dạng thấp nhất, thấp hơn nhiều lần một số nước trong ASEAN. Để thu nhập bình quân đầu người nước ta tăng lên gấp 2 trong vòng 10 năm tới, để thu hẹp khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người phải tăng trưởng 7,2%, và nền kinh tế phải duy trì tốc độ tăng trưởng này cộng với tốc độ gia tăng dân số hàng năm, tức là tăng 8,2% trong bối cảnh hiện nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên