Nếu bạn không muốn sức khỏe ngày càng "lao dốc", hãy từ bỏ những thói quen này càng nhanh càng tốt
Sự căng thẳng hay áp lực cuộc sống có thể dẫn đến nhiều thói quen không tốt. Chúng không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà có khi còn làm cho cuộc sống của bạn khó khăn và bế tắc hơn.
- 14-11-2018Những con số khiến "dân nhậu" giật mình
- 14-11-20184 yếu tố không ngờ có thể gây viêm gan B: Hầu hết mọi người đều có thể mắc mà không biết
Dưới đây là 5 thói quen xấu phổ biến nhất khiến sức khỏe của bạn lao dốc, trì hoãn sự thành công trong sự nghiệp. Nhưng may mắn là bạn hoàn toàn có thể chủ động thay đổi, chỉ cần quyết tâm:
1. Uống nhiều đồ uống năng lượng
Nhiều người khi cảm thấy mệt mỏi hay uể oải thường tìm đến những đồ uống có tính kích thích cao, tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lượng đường và caffein trong các đồ uống năng lượng này đem lại nhiều rủi ro cho sức khỏe như lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, tăng huyết áp, béo phì… Không những thế chúng cũng tạo thành một thói quen dựa dẫm vào các chất kích thích tinh thần.
Nếu bạn thực sự muốn tìm lại sự tỉnh táo sau một ngày dài mệt mỏi thì hãy uống nhiều nước thay vì café. Thực tế mọi bộ phận trong cơ thể chúng ta đều được nuôi dưỡng bởi nước, thiếu nước sẽ khiến cả cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein (trứng, thịt thăn, đậu nành…) cũng sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn.
2. Ngồi một chỗ quá lâu
Ngay cả khi bạn vẫn tập thể dục 30 phút mỗi ngày thì việc ngồi ì một chỗ quá lâu ở văn phòng, lớp học cũng không bù đắp lại được. Có thể bạn không tin nhưng ngồi trong một thời gian dài có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các chứng viêm trong cơ thể.
Vì thế nên tận dụng thời gian để đứng lên và đi lại trong giờ làm việc, ví dụ như khi nghe điện thoại, khi họp hành… Hãy đứng lên và đi lại mỗi 30 phút, giãn các cơ tay chân để máu được lưu thông tốt hơn.
3. Thiếu ngủ
Bạn có biết hơn 6000 vụ tai nạn xe hơi làm chết người mỗi năm là do người lái xe ngủ gật? Thiếu ngủ trong thời gian dài khiến cho các tế bào miễn dịch kém đi, tăng nguy cơ hình thành các khối u, ảnh hưởng đến hiệu suất nhận thức và các quyết định…
Một giấc ngủ đủ chuẩn kéo dài 7 – 8 tiếng/đêm. Hãy đặt đồng hồ báo thức khi đi ngủ và tuân thủ thời gian bạn đặt ra, nhờ thế đồng hồ sinh học của bạn sẽ tự hình thành một cơ chế đánh thức tự động. Trước khi đi ngủ, hãy tránh các cuộc nói chuyện căng thẳng, nếu được thì bạn có thể ngồi thiền một chút.
4. Sống và làm việc một mình
Sự độc lập có thể đem lại nhiều lợi ích trong công việc và cuộc sống nhưng nếu bạn cứ lầm lũi một mình suốt thì nó không còn là điều tích cực nữa. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa sự cô lập xã hội, hệ thống tim mạch, hệ thống thần kinh nội tiết và chức năng nhận thức. Nó cũng dẫn đến trầm cảm, suy giảm nhận thức và các vấn đề về giấc ngủ.
Thay vì các cuộc điện thoại, bạn nên trò chuyện trực tiếp hoặc thông qua video; hãy tham gia các cuộc hội họp thường xuyên hơn cũng như đi ra ngoài và nhìn ngắm cuộc sống nhiều hơn. Nếu có thể, hãy dành thêm nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè vào những ngày cuối tuần để nâng cao các kỹ năng xã hội cần thiết và mở rộng vòng quan hệ.
5. Xem điện thoại quá nhiều, nhất là vào ban đêm
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Harvard đã phát hiện ra rằng ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đáng kể đến lịch trình giấc ngủ của bạn (tới 3 giờ). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng xanh ngăn giấc ngủ hồi phục cơ thể, gây ra mất ngủ, đau nhức đầu và hạn chế khả năng tập trung ở mức 100%.
Vì thế bạn tốt nhất nên tránh các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, nếu có cần thì hãy sử dụng chế độ sáng “Ban đêm” để làm dịu mắt. Cho mắt nghỉ mỗi 20 phút sử dụng điện thoại, máy tính và nếu có thể thì hãy sử dụng giấy bút nhiều hơn.
Hầu hết các nhà khoa học đều chỉ ra rằng, sẽ mất khoảng 21 ngày đến 1 tháng để phá vỡ một thói quen xấu. Nếu bạn có một ý chí mạnh mẽ cũng như quyết tâm cao độ thì không có gì là không thể thay đổi.
INC