Nếu không có một tấm lòng thì đừng làm nghề xử lý nợ
Một chuyên viên xử lý nợ không có “tấm lòng” thì chỉ biết một mục đích duy nhất là thu nợ càng nhanh càng tốt nên tìm mọi cách gây áp lực, thâm chí to tiếng dọa nạt, rồi nhìn khách nợ như tội phạm, thiếu khách quan mà không cần tìm hiểu, hỏi han chia sẻ, động viên họ, rồi dần dần mới tìm phương án xử lý nợ tốt nhất cho họ và ngân hàng.
- 14-10-2017Phụ nữ ngân hàng và 4 chữ “lắm”
- 13-10-2017Ngân hàng là nơi...
- 13-10-2017Tôi đã trót say mê với những "quy chuẩn" của ngân hàng
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Hà Văn Khánh - ngân hàng OCB gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
----------------
Cách đây 03 năm, tình hình nợ xấu của Ngân hàng ngày càng tăng mà nhân sự xử lý nợ thì chưa tuyển được. Tôi, một Chuyên viên của phòng Pháp chế, được điều chuyển sang tăng cường cho phòng Xử lý nợ. Tôi chợt buồn, mà buồn thật, vì phòng Xử lý nợ lúc ấy là nơi “ngọa hổ tàng long” bất đắc dĩ. Số là ngân hàng tôi có chính sách điều chuyển các Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh để xảy ra nhiều nợ xấu về làm chuyên viên của phòng xử lý nợ. Do đó, phòng Xử lý nợ chỉ có Trưởng phòng, Phó phòng và một vài chuyên viên là “dân xử lý nợ chuyên nghiệp”, còn lại đa số là những “tinh hoa, nhân tài” của ngân hàng trước đó giờ về đây “ngồi chơi xơi nước” để chờ đợi một kết thúc nào đó…
Vì vậy, tôi cảm thấy bị điều sang làm xử lý nợ là bị “thất sủng” nên buồn. Thế thôi!
Rồi công việc mới làm cho tôi phải dành nhiều thời gian, tâm trí và sức lực hơn nên nỗi buồn cũng nguôi ngoai. Dần dần, khác với làm ở phòng pháp chế - nơi chỉ ngồi một chỗ suốt ngày dán mắt vào máy vi tính, ở nơi mới, tôi được đi công tác liên tục nhiều nơi: đi làm việc với Chi nhánh, làm việc với khách hàng, làm việc với các cơ quan tố tụng… nên nỗi buồn giờ đã thành niềm vui, thành động lực, thành năng lượng của cuộc sống.
Và càng vui hơn, khi một lần làm việc với Phó tổng Giám đốc phụ trách xử lý nợ, ông nói rằng: để đào tạo được một chuyên viên xử lý nợ chuyên nghiệp thì thời gian và công sức bỏ ra bằng việc đào tạo 03 loại chuyên viên cộng lại. Đó là: chuyên viên pháp chế, chuyên viên tín dụng và chuyên viên thẩm định giá tài sản. Kể từ đó, tôi cảm thấy tự tin và có phần tự hào khi giới thiệu mình là chuyên viên xử lý nợ của ngân hàng.
Thời gian trôi qua, càng làm công việc xử lý nợ của ngân hàng, tôi càng cảm thấy nghề đã chọn mình và mình cũng đã chọn được nghề tâm đắc. Vì vậy, càng gắn bó thiết thân và càng trau dồi nghề nghiệp. Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề được hơn 03 năm, trải qua bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu hoàn cảnh nợ nần mà mình đã gặp, tôi đúc rút được một chân lý: ngoài các kỹ năng như ông Phó Tổng giám đốc đã nói ở trên, thì người làm xử lý nợ của ngân hàng cần có “một tấm lòng”, để sẻ chia, để đồng cảm, để hiểu, để tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ khách nợ có phương án thanh toán nợ cho ngân hàng.
Khi không trả được nợ cho ngân hàng, đa số họ trước đó đã gặp phải một hay nhiều rủi ro, bất hạnh như: làm ăn thua lỗ, bị lừa, bị tai nạn hay bệnh tật… nên họ đã phải chịu nhiều khổ đau, áp lực. Do vậy, một chuyên viên xử lý nợ không có “tấm lòng” thì chỉ biết một mục đích duy nhất là thu nợ càng nhanh càng tốt nên tìm mọi cách gây áp lực, thâm chí to tiếng dọa nạt, rồi nhìn khách nợ như tội phạm, thiếu khách quan mà không cần tìm hiểu, hỏi han chia sẻ, động viên họ, rồi dần dần mới tìm phương án xử lý nợ tốt nhất cho họ và ngân hàng.
Trong một lần đi cùng với một anh đồng nghiệp xuống nhà khách hàng để đòi nợ, gần đến nơi, tôi thấy anh tấp xe vào tiệm tạp hóa mua 2 lốc sữa. Tôi ngạc nhiên hỏi mua sữa làm gì thì anh điềm nhiên trả lời: mua sữa biếu bà mẹ của khách hàng. Vào đến nhà, tôi càng thấu hiểu thêm ý nghĩa của hành động mà anh đồng nghiệp vừa thực hiện. Đập vào mắt tôi là một căn nhà tồi tàn, lạnh lẽo và có phần hoang sơ. Trong căn nhà, có một cái võng cũ kĩ, sờn đen, bà cụ già, người như cây củi khô héo, gầy rộc đang nằm trên võng với ánh mắt bất động. Dưới đất, một bát cơm nguội đang ăn dở, giờ đang là “mâm cỗ” linh đình cho bầy ruồi bu quanh.
Thấy chúng tôi chào và biếu sữa, bà cũng chỉ cử động một chút, ý là bà đã biết và cảm ơn chúng tôi. Một lát, dưới nhà xuất hiện một người thanh niên khoảng chừng 35 tuổi, với dáng đi lẫm chẫm như con nít mới tập đi, ánh mắt đờ đẫn, thấy chúng tôi thì như tỏ vẻ vui mừng, rồi cười hề hề không ra tiếng, nước dãi chảy rớt xuống đất. Hỏi ra mới biết đó là em trai khách nợ.
Cách đây mấy tháng, khách nợ đang làm ăn buôn bán vật liệu xây dựng (cát, đá) bình thường thì tai họa ấp tới liên tục. Đúng là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Đầu tiên là bà mẹ đang khỏe mạnh chợt mắc bạo bệnh rồi nằm một chỗ, tiếp theo xà lan chở cát của anh bị tai nạn và bị chìm, rồi đến thằng em trai bị tai nạn giao thông rất nặng, sau khi điều trị xong ở bệnh viện trở về thì người em trở thành một đứa con nít 2 tuổi.
Ước mơ vay vốn ngân hàng làm ăn để kiếm tiền xây nhà cho mẹ già, cưới vợ cho em trai giờ trở thành những hình ảnh thê lương từ người mẹ ốm yếu và người em vô hồn và sự ám ảnh của khoản nợ ngân hàng.
Hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong tôi, và cũng từ đó, triết lý “một tấm lòng” của người xử lý nợ càng được khẳng định để tôi theo đuổi.
Cũng cần phải nói thêm rằng, rất nhiều khách nợ đã có âm mưu không trả nợ cho ngân hàng từ khi vay. Những người này thường nói rất hay, hứa rất nhiều và rất tinh quái, giảo hoạt. Đó là những người mua tài sản có tranh chấp, hoặc tài sản siết nợ được rồi đem thế chấp để vay tiền. Bằng cách nào đó, họ vay được số tiền lớn hơn nhiều số tiền họ đã bỏ ra. Vì vậy, vay xong họ không trả cho ngân hàng bất kỳ một đồng nào, họ đẩy trách nhiệm xử lý các tài sản đang tranh chấp đó cho ngân hàng để họ hưởng lợi. Với đối tượng khách nợ này nếu dùng triết lý “một tấm lòng” để xử lý thì không khác nào mình tự cắt đứt nguồn cơm áo và làm hại đến ngân hàng của mình.
Làm nghề xử lý nợ của ngân hàng rất nhiều rủi ro, thách thức nhưng cũng thật nhiều hạnh phúc và niềm vui. Mỗi lần thu được một khoản nợ hay đưa ra được một phương án trả nợ thích hợp nhất cho khách hàng là niềm vui lại ùa về. Thấy ấm lòng khi mình đi đòi nợ mà được khách nợ trân trọng, quý mến thay vì chửi bới, hắt hủi. Vì vậy, tôi đã chiêm nghiệm được một điều rằng: không có “một tấm lòng” thì đừng làm xử lý nợ.
Trí Thức Trẻ
- Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang
- Thông báo Giải thưởng cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- 20 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc Thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- Từ hình ảnh ngày hội từ thiện, tôi quyết tâm theo đuổi nghề ngân hàng và vinh quang đã đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
- Sinh viên “khởi nghiệp” ngân hàng