Ngã đau vì lầm tưởng kinh doanh bất động sản có thể một bước đổi đời
Nghĩ rằng bất động sản (BĐS) có thể làm giàu nhanh chóng, nhiều người đi vay mượn lao vào như con thiêu thân để rồi đẩy cả gia đình rơi vào cảnh bế tắc.
So với việc kinh doanh các mặt hàng về bán lẻ thì BĐS lại là lựa chọn ưu tiên hơn với nhiều người bởi đây là hình thức mua đi bán lại một sản phẩm giá trị lớn nhưng chốt lời nhanh và cho số tiền chênh lệch khá cao. Nếu đầu tư trúng mánh, nhiều người có thể đút túi từ 200-500 triệu đồng với mỗi một lô đất, căn hộ, hoặc thậm chí là từ vài tỷ nếu số vốn đầu tư lớn và biết chớp đúng thời cơ.
Trên thực tế, số người đổi đời vì BĐS là không hiếm nhưng có lẽ con số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Qua thực tế ghi nhận, những người giàu lên nhờ nghề đầu cơ BĐS thường là người có đầu óc suy nghĩ thấu đáo, nắm rõ thị trường, chớp đúng thời cơ và đặc biệt là luôn biết cách lường trước rủi ro. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay số lượng nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm về đầu tư BĐS là rất nhiều. Và thực tế cũng đã ghi nhận rất nhiều bài học cay đắng từ việc ôm tiền lao vào đất đai.
Ảnh minh họa
Điển hình là vụ Alibaba lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng với gần 7.000 khách hàng sập bẫy vào giữa tháng 9/2019 bằng việc vẽ ra hàng loạt dự “án” ma rồi dụ nhà đầu tư kinh doanh đất đai theo hình thức đa cấp. Câu chuyện này sau đó đã để lại nhiều hậu quả đau lòng. Hàng trăm gia đình tan nát, vợ chồng lục đục, con cái khổ sở vì vỡ nợ do Alibaba. Thậm chí, nhiều vụ tử tử đã xảy ra vì vỡ nợ. Trong đó, đang chú ý là vụ việc một người đàn ông đã tự nổ súng tự sát ở bệnh viện Trưng Vương - Tp.HCM do bị Alibaba lừa mất hơn 3 tỉ đồng.
Hay như vụ việc một vị giám đốc trẻ tuổi đã tự lập một công ty kinh doanh đất nền ở quận Gò Vấp, Tp.HCM và dùng hình thức bán đất thông qua giấy ủy quyền để lừa đảo hàng chục tỉ đồng với hơn 30 “con mồi” sập bẫy. Hay trong những tháng cuối năm 2019, hàng chục dự án “ma” ở khu vực vùng ven Tp.HCM bị phanh phui cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thật sự thận trọng với việc kinh doanh nhà đất.
Theo chia sẻ của một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong nghề, thị trường hiện nay có rất nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng có thể làm giàu nhanh chóng từ BĐS. Họ không hề lường trước rủi ro, không hề tìm hiểu kỹ các dự án nhưng vẫn liều lĩnh đi vay mượn khắp nơi, thậm chí là cầm cố giấy tờ nhà đất của gia đình để vay tiền đi đầu tư. Mà không chỉ đầu tư một vài miếng đất mà nhiều người còn có xu hướng mang tiền đi rải khắp nơi.
Chỉ cần nghe ở đâu có sốt đất là mang tiền đến đầu tư. Họ cũng khảo sát, cũng tìm hiểu nhưng đa phần là tìm hiểu thông tin qua người quen, khảo sát những người đã từng mua ở khu vực đó. Khi nhìn thấy lượng khách đến mua đông, nhiều người khẳng định đã chốt được khoản lời tốt là họ thản nhiên xuống tiền. Tuy nhiên, một khi vướng phải đất quy hoạch hoặc gặp phải tình trạng “bong bóng” giá thì không ít người phải nếm trái đắng vì lỗ đậm, thậm chí ôm hàng nhiều năm trời không thể bán ra.
Bài học cay đắng của ông N.V.L. (ngụ quận 12) là một ví dụ. Nghĩ rằng có thể chốt lời nhanh từ BĐS, anh L. từng vay mượn của người thân khoảng 500 triệu, vay thêm ngân hàng khoảng 300 triệu rồi xuống Long An đầu tư hai miếng đất gần bến xe Long An. Những tưởng sau khoảng 1 năm là có thể bán ra chốt lời nhưng anh L. nào ngờ đã bị một môi giới thổi giá. Sau một năm giá đất không những không tăng lên mà còn lỗ vài trăm triệu.
Những miếng đất của anh L. mua hóa ra là đất nông nghiệp. Sau khi tìm hiểu chính quyền, anh L. được biết nếu muốn lên đất ở lại phải bỏ thêm 1 khoản tiền không nhỏ. Trong khi đó, số tiền nợ mà anh H. mượn của người thân, ngân hàng thì mỗi ngày một đẻ lãi. Để gỡ gạc, cuối cùng ông L. phải chấp nhận bán lỗ hàng trăm triệu đồng.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư khi đi mua đất , mua nhà cần hết sức thận trọng, đặc biệt mua để đầu cơ. Mặt khác, trong thời điểm thị trường đang rơi vào giai đoạn khó khăn như hiện nay thì những môi giới làm ăn không chân chính lại có thêm nhiều trò mới để dẫn du khách hàng nên sự cảnh giác là điều cần thiết.