Nga thừa nhận mất cảnh giác, để hàng chục máy bay bị 'bắt sống': Mọi thứ ập đến chỉ trong vài ngày
Nga lần đầu lên tiếng thừa nhận nước này đã bất ngờ mất cảnh giác trước động thái của phương Tây. Diễn tiến quá nhanh khiến Moscow không kịp trở tay.
- 29-11-2023Nga, UAE, Nam Phi "lọt mắt xanh" của Trung Quốc trong siêu dự án ILRS - căn cứ cách Trái đất 384.403km
- 29-11-2023Bloomberg: Nga đang tạo ra một châu Âu mới ở Trung Quốc
- 29-11-2023Dầu Nga đang đắt như tôm tươi ở châu Á thì bị cản trở: Ai "ngáng chân" Moscow?
- 28-11-2023Nước nghèo châu Âu gấp rút theo EU, giáng đòn vào Nga: Điện Kremlin cảnh báo "rắn"
Nga mất 76 máy bay
Nga đã mất 76 máy bay chở khách do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev cho biết hôm 25/11, đề cập tới giai đoạn đầu Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
"Chúng tôi bất ngờ bị mất cảnh giác" – Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn phát biểu của ông Savelyev tại lễ khai mạc Triển lãm quốc gia mang tên "Nước Nga hành động".
"Tổng cộng, chúng tôi đã mất 76 máy bay chở khách, đó là các máy bay đang nằm trong kho kỹ thuật, đang phục vụ ở nước ngoài hoặc chuẩn bị khai thác một số chuyến bay" – Ông Savelyev nói, đồng thời cho biết hiện tại ở Nga chỉ có 1.302 máy bay, trong đó có 1.167 máy bay chở khách.
Nga đã mất 76 máy bay do lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Aerotime
Theo tờ Newsweek, ngành hàng không Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Airbus và Boeing ngừng bảo dưỡng máy bay, cũng như cung cấp phụ tùng thay thế cho Nga.
Hơn một nửa số máy bay chở khách của Nga do nước ngoài sản xuất, các hãng hàng không Nga đã thuê chúng. 67% máy bay nước ngoài của Nga được đăng ký ở Bermuda và Ireland. Sau khi chiến tranh bùng nổ, giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của chúng đã bị thu hồi.
Ông Savelyev cho biết, Nga đã tìm cách đàm phán với các bên cho thuê về việc mua lại máy bay, nhưng họ không muốn tham gia đàm phán.
Trong bài luận viết cho Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie vào tháng 3 năm nay, ông Anastasia Dagaeva – một chuyên gia độc lập về hàng không Nga mô tả: "Chỉ trong vài ngày, Moscow đã mất các điểm đến quốc tế, hợp đồng cho thuê, hỗ trợ kỹ thuật cho các chuyến bay nước ngoài, quan hệ đối tác với các hãng vận tải, phần mềm nước ngoài, bảo hiểm và các dịch vụ khác".
Sống sót qua lệnh trừng phạt
Trước tình thế đó, Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang đã khuyến nghị các hãng hàng không Nga đình chỉ tất cả các chuyến bay chở hàng và hành khách ra nước ngoài do "nguy cơ cao máy bay của các hãng hàng không Nga ở nước ngoài bị thu giữ".
Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép các hãng hàng không Nga đứng ra đăng ký máy bay đi thuê từ các công ty nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng bay Nga có thể thu giữ máy bay thuê từ nước ngoài và sử dụng chúng cho chặng nội địa.
Ông Savelyev cho biết, vào tháng 3/2022, gần 800 máy bay vốn thuê từ nước ngoài đã được chuyển vào sổ đăng ký quốc gia của Nga.
"Chúng tôi đã lấy tài sản của bên khác" - Ông Savelyev nói.
Tháng 6 năm ngoái, các hãng hàng không Nga tiếp tục khai thác chuyến bay tới 11 quốc gia – những nơi mà máy bay Nga chắc chắn sẽ không bị tịch thu.
Nga dự kiến thúc đẩy chương trình thay thế nhập khẩu để giảm dần số lượng máy bay nước ngoài đang hoạt động trong nước.
Hiện nay, hầu hết máy bay Nga đều có đăng ký kép, song đây là điều bị cấm trong Công ước Chicago, hay Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế. Ngoài ra, còn có những lo ngại về việc máy bay Nga không có đủ phụ tùng thay thế, làm tăng nguy cơ về an toàn bay.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã treo "cờ đỏ" cho Nga về an toàn chuyến bay. Trên thế giới đang có 3 nước bị treo "cờ đỏ", hai nước còn lại là Bhutan và Liberia. Theo quy định, bất cứ quốc gia nào cũng có thể từ chối bảo dưỡng máy bay của quốc gia bị treo "cờ đỏ".
Song, ông Savelyev cho biết, Nga đã có sự sắp xếp lại phụ tùng giữa các máy bay để đảm bảo duy trì khả năng hoạt động cho chúng, nhưng không có gì bất thường trong việc này.
Ngoài ra, Moscow đã dần tìm cách thay thế phụ tùng và thiết bị do phương Tây sản xuất bằng chương trình "thay thế nhập khẩu" để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp. Có thể kể tới 2 dự án tiêu biểu là SJ-100 và MS-21.
Chuyên gia hàng không Ilya Shatilin – Tổng biên tập cổng thông tin FrequentFlyers cho biết, các máy bay này sẽ được trang bị động cơ và hệ thống điện tử hàng không của Nga.
Theo vị chuyên gia, sẽ không có vấn đề gì với việc cung cấp phụ tùng thay thế. Nga dự kiến sẽ không phụ thuộc vào bất cứ hoạt động nhập khẩu nào.
Trong chương trình phát triển ngành hàng không đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải Nga cho biết nước này dự kiến sẽ giảm dần số lượng máy bay nước ngoài đang hoạt động trong nước.
"Mục tiêu hàng đầu của ngành hàng không dân dụng Nga hiện nay là duy trì hoạt động cho đến năm 2030" – Ông Dagaeva nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ngành này của Nga sẽ trở nên tự lập hơn.
ĐSPL