Ngân hàng Đại Tín được bán với giá trên hợp đồng chưa đến... 5 tỷ đồng
Bà Ngô Kim Huệ đã ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254 triệu cổ phần TrustBank tức 84,2% vốn ngân hàng với giá trên hợp đồng là hơn 4,4 tỷ đồng. Sau khi Phạm Công Danh đồng ý mua lại ngân hàng, bà Hứa Thị Phấn ký lại hợp đồng với giá trị hơn 4,6 tỷ.
- 27-02-2017Phiên tòa chiều 27/2: Thời điểm 31/3/2014 Oceanbank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 10.000 tỷ
- 27-02-2017Hình ảnh Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo tại phiên tòa xét xử đầu tiên
- 27-02-2017Sáng 27/2 Xét xử Hà Văn Thắm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án với nguyên phó tổng giám đốc OceanBank
Chiều nay 27/2, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm đến từ Ngân hàng Đại Dương tiếp tục.
Sau phần thẩm tra căn cước của các bị cáo và người liên quan, VKS tiến hành đọc cáo trạng.
Theo cáo trạng, trong hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có nội dung đáng chú ý là 500 tỷ đồng Oceanbank cho công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung vay vốn.
Hành vi này đáng chú ý vì có liên quan đến một ông chủ nhà băng khác là Phạm Công Danh – nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh – đồng thời là người đang phải chịu án 30 năm tù trong đại án 9.000 tỷ vừa tuyên án phúc thẩm hồi đầu năm nay.
Cáo trạng nêu rõ, đầu năm 2012, Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng TMCP yếu kém, do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về Ngân hàng Đại Dương, nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho Thắm.
Ngày 23/2/2012, bà Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254 triệu cổ phần (254.751.970 cp), tương đương 84,2% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín với tổng giá trị theo hợp đồng là 4,4 tỷ (4.468.349.554 đồng), kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu các tài sản đảm bảo từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng và một số nghĩ vụ khác của bà Phấn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Hà Văn Thắm quen biết với Phạm Công Danh, chủ tịch HĐQT công ty TNHH một thành viên tập đoàn Thiên Thanh qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ Ngân hàng Đại Dương. Thắm không muốn tiếp nhận TrustBank, Thắm đã gặp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại TrustBank từ Thắm. Bà Phấn đã ký lại hợp đồng vào ngày 9/10/2012 với nội dung chuyển nhượng hơn 252 triệu cổ phần TrustBank cho Danh với tổng giá trị hơn 4,619 tỷ đồng (4.619,610 triệu đồng). Và sau khi tiếp quản TrustBank, Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.
Giữa tháng 11/2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Ngân hàng Đại Dương và thế chấp bằng tài sản của bà Hứa Thị Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, đồng thời ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín của nhóm bà Phấn. Số tiền 500 tỷ đồng Ngân hàng Đại Dương cho Phạm Công Danh vay được Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh thống nhất sử dụng pháp nhân để vay tiền là công ty Trung Dung.
Tại phiên tòa xét xử hôm nay 27/2, ông Phạm Công Danh đã được di lý đến tòa. Ông Trần Văn Bình là Tổng giám đốc công ty Trung Dung cũng được triệu tập và cả hai đều có mặt tại tòa trong vai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà Hứa Thị Phấn và 7 người nhóm bà Phấn cũng được triệu tập nhưng không có mặt mà chỉ có luật sư được chỉ định của nhóm này đại diện có mặt.