Ngân hàng đua tăng vốn, lộ diện những thương vụ nghìn tỷ
Ngân hàng NCB sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. Vietbank sẽ chào bán 100.000 trái phiếu ra công chúng đợt 3, dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng.
- 03-01-2024Đầu năm, ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn
- 02-01-2024NCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng
- 27-12-2023Ngân hàng cũng ồ ạt phát hành cổ phiếu, tăng vốn, chuyển sàn
Tuần này, có 15 doanh nghiệp (DN) thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 14 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 DN trả cổ tức cổ phiếu , 1 DN thực hiện quyền mua cổ phiếu.
Tăng thêm hàng ngàn tỷ
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận việc tăng vốn của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - mã chứng khoán: NVB). Mục đích của việc chào bán thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ là nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
NCB sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong quý II/2024. Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.
Vào ngày 12/1 tới đây, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - mã chứng khoán: BAB) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu.
Theo đó, BacABank dự kiến phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 7,5%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần sẽ được nhận 75 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ được phân phối cho công đoàn ngân hàng.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của BacABank năm 2022 sau khi đã trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và được đại hội cổ đông thông qua. Tính đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của BacABank là hơn 864 tỷ đồng.
Tìm cách hút dòng tiền
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank - mã chứng khoán: HDB) báo cáo vừa hoàn tất kế hoạch bán hơn 3,2 triệu cổ phiếu Hãng Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) theo lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Theo đó, giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong giai đoạn từ ngày 11 - 29/12/2023, hoàn thành 100% khối lượng đăng ký.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín ( Vietbank - mã chứng khoán: VBB) chào bán 100.000 trái phiếu ra công chúng (đợt 3), tương đương 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, có mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là 1 năm/lần.
Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50.000.000 đồng. Thời gian phát hành dự kiến là ngày 27/3. Nhà đầu tư có thể đăng ký mua trái phiếu tại các điểm giao dịch của Vietbank từ ngày 10/1 đến 26/3.
Nguồn vốn thu được từ hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 3 sẽ được Vietbank sử dụng để bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, đồng thời đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng.
Ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank - vừa đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu VBB trong thời gian 9/1-7/2, nhằm gia tăng sở hữu cổ phần. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch Vietbank sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng lên 4,82% vốn điều lệ.
Vietbank cũng vừa thông báo 8/1 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ thực hiện là 21%, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới. Nếu chào bán thành công, Vietbank sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - mã chứng khoán: ORS) vừa thông báo chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, TPS dự kiến huy động thêm 1.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua là từ ngày 5/2 đến 11/3. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ TPS sẽ nâng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) cho biết, ngày 11/1 sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Có nghĩa, cổ đông sở hữu mỗi cổ phần sẽ được nhận 1.000 đồng. Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đường Quảng Ngãi sẽ chi gần 357 tỷ đồng để thực hiện đợt chia cổ tức lần này.
Công ty CP Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 4/2023 bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/1 với tỷ lệ thực hiện là 47,89%. Với hơn 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, AVC sẽ phải chi hơn 359 tỷ đồng trả cổ tức đợt này.
Trước đó, AVC trả tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 vào tháng 8/2023 (tỷ lệ 25%), đợt 2 vào tháng 10/2023 (tỷ lệ 24,7%) và đợt 3 dự kiến vào tháng 3/2024 với tỷ lệ 20,95%. Như vậy, tổng số tiền chi cho 4 đợt cổ tức năm 2023 của AVC ước gần 890 tỷ đồng với tổng tỷ lệ 118,54%.
Tiền phong