Ngân hàng lớn dè dặt với mục tiêu kinh doanh 2019
Hiện hầu hết các ngân hàng đã công bố dự thảo kế hoạch kinh doanh năm 2019, thậm chí nhiều ngân hàng đã chốt các chỉ tiêu kinh doanh tại đại hội cổ đông. Điểm chung nhất là trong khi các ngân hàng lớn tỏ ra khá thận trọng khi đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh, thì nhiều ngân hàng khác lại đang tỏ ra rất lạc quan.
- 24-04-2019Lợi nhuận của Techcombank quý 1 tăng 2% "nhờ" giảm đến 80% dự phòng rủi ro
- 23-04-2019Lợi nhuận trước thuế của SHB tăng gần gấp rưỡi trong quý 1
- 23-04-2019Tổng Giám đốc VietinBank: Không có kế hoạch thoái lãi dự thu năm 2019, lợi nhuận quý 1 đã đạt trên 3.000 tỷ dù dư nợ cho vay giảm
Là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019, có lẽ VietinBank đang là ngân hàng thương mại Nhà nước tỏ ra thận trọng nhất khi với kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đang sát ngưỡng tối thiểu sau nhiều năm không tăng thêm được đồng vốn nào. Âu cũng là điều dễ hiểu khi mà nhà băng này thậm chí đã phải thu hẹp bớt quy mô tín dụng, chấp nhận chịu lỗ trong quý 4/2018 cũng bởi vì không tăng được vốn.
Ảnh minh họa |
Khép lại năm 2018, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ ở mức 6,1%, không đạt mức kế hoạch (8% - 9%), lợi nhuận hợp nhất đạt 6.730 tỷ đồng, giảm gần 27% so với năm 2017. Vì lẽ đó, kế hoạch kinh doanh năm 2019 của VietinBank, dù được xây dựng dựa trên cơ sở được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn, thế nhưng cũng khá khiêm tốn: Tổng tài sản tăng 2%-5%; dư nợ tín dụng tăng 6%-7%; lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng.
Không riêng gì VietinBank mà ngay cả Vietcombank cũng tỏ ra rất thận trọng. Dù là quán quân về lợi nhuận trong năm 2018, cộng thêm lợi thế đã đáp ứng chuẩn Basel 2 nên nhiều khả năng sẽ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, song Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm 2019, nhỉnh hơn một chút so với mức tăng 14,6% của năm 2018; lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 12% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 61,1% của năm 2018.
BIDV cũng vậy khi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng có 12% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 13% của năm 2018. Năm nay BIDV cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tức tăng có 10,8% so với năm 2018.
Trong khi đó, không ít các ngân hàng lại đang tỏ ra rất lạc quan khi đặt ra các mục tiêu kinh doanh khá cao trong năm nay. Đơn cử như VIB. Là một trong 3 ngân hàng đầu tiên được NHNN công nhận đã đáp ứng chuẩn Basel 2, ngân hàng này không hề giấu ý định sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động. Đại hội cổ đông của VIB diễn ra ngày 28/3 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, trong đó tổng tài sản tăng 31% đạt 182.908 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 35% đạt 136.509 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 24% đạt 3.400 tỷ đồng.
Hay như MBBank, ngay sau khi được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel 2, ngân hàng này đã công bố bộ tài liệu chuẩn bị cho Đại hội cổ đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới. Theo đó MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.560 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 23% so với con số thực hiện của năm 2018. Để đạt mục tiêu này, MB dự kiến tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2019.
Có lẽ điểm chung nhất đối với các ngân hàng đó là tăng vốn. Chẳng hạn như Vietcombank, dù đã được NHNN công nhận là đã đáp ứng chuẩn Basel 2 từ cuối năm 2018, song một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà băng này trong năm 2019 vẫn là tăng vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng chuẩn mực Basel.
Theo đó, Vietcombank đặt mục tiêu sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để có ý kiến chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án tăng vốn điều lệ và triển khai tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành thêm cổ phiếu mới qua các hình thức phù hợp.
Hay như MB, dự kiến tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 27/4 tới đây, HĐQT ngân hàng này sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ từ 21.604,5 tỷ đồng lên 25.840,9 tỷ đồng (tương đương tăng 20%). Theo MB, việc tiếp tục tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.
Cụ thể, việc tăng vốn sẽ đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Nâng cao khả năng đầu tư năng lực cho MB; Nâng cao khả năng mở rộng phát triển mạng lưới; Bổ sung vốn đầu tư kinh doanh sinh lời trong các hoạt động khác…
Với các ngân hàng chưa đáp ứng Basel 2, lẽ đương nhiên tăng vốn lại càng là vấn đề bức thiết. Phát biểu tại Đại hội cổ đông diễn ra hôm 23/4, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng đang trình các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh quá trình tăng vốn điều lệ.
Trước mắt, VietinBank sẽ xin các cơ quan chức năng cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017, 2018, 2019 hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ cho việc tăng vốn. Với lợi nhuận năm 2018, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 8,03% hoặc giữ lại toàn bộ.
BIDV cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực tài chính trong năm 2019, trong đó tập trung thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính và thực hiện các biện pháp tăng vốn khác như phát hành trái phiếu cấp 2, tăng vốn từ nguồn nội lực của BIDV, phấn đấu gia tăng mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel 2 và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc các nhà băng tỏ ra dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2019 trong khi đặt trọng tâm vào việc tăng vốn cũng là điều dễ hiểu khi mà thời điểm Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực đang đến gần.
“Tăng vốn là yêu cầu hàng đầu đối với các nhà băng để đáp ứng Basel 2 nếu không muốn phải thu hẹp quy mô hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc tăng vốn gặp nhiều khó khăn, cộng thêm những yêu cầu về vốn khắt khe theo chuẩn Basel 2 nên các nhà băng không thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao như những năm trước được”, vị chuyên gia trên bình luận.
Thời báo ngân hàng