Ngân hàng nào đang bơm vốn khủng cho 20 công ty chứng khoán margin lớn?
20 công ty chứng khoán được đề cập đã phát sinh vay nợ ngắn hạn với các ngân hàng trong kỳ lên đến 1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 45 tỷ USD, gấp 11 lần dư nợ vay ngắn hạn của các công ty chứng khoán...
Như VnEconomy thống kê, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô. Trong đó, 20 công ty chứng khoán lớn nhất đã cho vay 98.397 tỷ đồng; tăng 21% so với quý 1/2020.
Nguồn tài trợ cho vay của các công ty chứng khoán ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết quý 1/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu 96,21%.
Các dư nợ tập trung chủ yếu ở một số tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Vietcombank chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống; Ngân hàng BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46%; TPBank chiếm 8,91%; VIB chiếm 5,25%; Vietinbank chiếm 4,25%, MSB chiếm 4,16%...
Trong khi đó, theo thống kê của VnEconomy, tính đến 31/3/2021, tổng vay nợ của 20 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường trong đó chiếm phần lớn là vay ngân hàng 92.619 tỷ đồng tăng 27,2% so với con số vay đầu năm. Các công ty chứng khoán có tốc độ vay nợ tăng nhanh trong quý 1/2021 như Mirae Asset tăng 54% so với con số đầu năm; VND tăng 76%; VNS tăng 193%; VCSC tăng 26%; BSI tăng 189%.
Xét về quy mô vay nợ ngân hàng, dẫn đầu đang là SSI với tổng dư nợ là 24.227 tỷ đồng; tiếp theo là VND với 11.556 tỷ đồng; Mirae Asset với dư nợ 8.829 tỷ đồng; HSC với dư nợ 8.447 tỷ đồng; VPS là 6.834 tỷ đồng…
Bên cạnh vay nợ ngân hàng, trong kỳ, một số công ty chứng khoán đã phát hành trái phiếu lượng lớn như VDSC với khoản phát hành 1.427 tỷ đồng; SHS phát hành 1.100 tỷ đồng; TVSI phát hành 680 tỷ đồng; VCSC phát hành 622 tỷ đồng; Mirae Asset 625 tỷ đồng.
Về phía chủ nợ, các ngân hàng trong nước vẫn là bên tài trợ vốn chính cho các công ty chứng khoán. Theo thuyết minh chưa đầy đủ của các công ty chứng khoán, hiện, Vietcombank đang dẫn đầu dư nợ cho vay các công ty chứng khoán, tính đến cuối kỳ, Vietcombank cho vay gần 6.000 tỷ đồng, trong đó, một số con nợ lớn của Vietcombank như SSI vay 4.321 tỷ đồng; KBSV, ACBS…
Techcombank đứng thứ hai, hiện đang cho vay gần 5.500 tỷ đồng trong đó khách hàng chủ yếu cũng là SSI. BIDV với 3.726 tỷ đồng; Vpbank cho vay 1.035 tỷ đồng; TpBank 1.420 tỷ đồng...
Các tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng là những đơn vị tài chính vốn lớn cho các công ty chứng khoán trong quý 1/2021 như Wooribank, Indovinabank, Shinhan Việt Nam, KB Kookmin Bank, Korea Investment Holding Co.Ltd, Maybank Kimeng Holding Limited. Trong đó, Korea Investment Holding Co.Ltd cho KIS vay 1.853 tỷ đồng; KB Kookmin Bank cho vay 1.338 tỷ đồng; Maybank Kimeng Holding Limited 1.017 tỷ đồng…
Mặc dù vậy số dư vay nợ cuối kỳ của các công ty chứng khoán nêu trên chỉ phản ánh phần nào kênh vốn từ các ngân hàng chảy vào lĩnh vực chứng khoán trong quý 1/2021. Trên thực tế, các công ty chứng khoán đã tăng vay mạnh trong kỳ và trả nợ vay ở cuối kỳ để có số dư thấp. 20 công ty chứng khoán được đề cập ở trên đã phát sinh vay nợ ngắn hạn với các ngân hàng trong kỳ lên đến 1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 45 tỷ USD, gấp 11 lần dư nợ vay ngắn hạn của các công ty chứng khoán.
Vneconomy