Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong 3 tháng đầu năm?
Dưới tác động của Covid-19, tiền gửi của khách hàng tại nhiều ngân hàng tăng chậm và thậm chí sụt giảm trong những tháng đầu năm. Song bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng hút được lượng tiền gửi lớn, tăng tới 8-9% chỉ trong quý 1/2020.
Tổng hợp từ BCTC quý 1/2020 của 25 ngân hàng, tổng tiền gửi của khách hàng trong 3 tháng đầu năm của những ngân hàng này tăng 0,32%, đạt hơn 5,94 triệu tỷ đồng. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Trong đó, 5/25 ngân hàng có tiền gửi gửi khách hàng sụt giảm, bao gồm BIDV, MBBank, Eximbank, TPBank, Saigonbank.
BIDV vẫn là ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất, đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng tại ngày 31/3/2020, tuy nhiên đã sụt giảm hơn 13.800 tỷ đồng, tương đương giảm 1,24% so với đầu năm.
Trong khi đó, tiền gửi tại MBBank giảm tới gần 32.000 tỷ đồng xuống còn 240.737 tỷ đồng, tức giảm 11,7% so với đầu năm. Nguyên nhân là nhóm khách hàng doanh nghiệp rút tiền mạnh, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng này giảm tới 24,5% xuống còn hơn 115.450 tỷ đồng; trong khi đó, tiền gửi của cá nhân vẫn tăng 4,6%.
Trong top 10 ngân hàng có tiền gửi lớn nhất, ngoại trừ BIDV và MBBank bị sụt giảm thì các ngân hàng còn lại cũng chỉ tăng nhẹ, như VietinBank chỉ tăng 0,33%, Vietcombank tăng 0,6%, VPBank tăng 0,83%.
Trong khi những ngân hàng trên sụt giảm tiền gửi hoặc chỉ tăng nhẹ thì một số nhà băng khác tăng rất mạnh, chủ yếu là ở những ngân hàng nhỏ.
Xét về tốc độ tăng trưởng, 2 ngân hàng tăng trưởng huy động tiền gửi mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm là NamABank và BacABank, lần lượt tăng 9% đạt 77.096 tỷ đồng và 8,3% đạt 82.476 tỷ đồng.
Nếu xét về số tiền thì LienVietPostBank và HDBank là 2 ngân hàng hút tiền gửi nhất. Trong đó, tiền gửi tại LienVietPostBank tăng hơn 7.100 tỷ (tương đương 5,23%) lên hơn 144 nghìn tỷ đồng; tiền gửi tại HDBank tăng hơn 6.800 tỷ (tương đương 5,4%) đạt gần 133 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân tiền gửi tăng chậm trong những tháng đầu năm có thể do thu nhập của người dân và doanh thu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các khoản tiền gửi thanh toán tại những ngân hàng lớn như Vietcombạnk, VietinBank, BIDV, MBBank, Techcombank,...đều bị sụt giảm. Chưa kể trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch (đúng vào tháng 1 dương lịch), các doanh nghiệp cũng phải rút tiền để chi trả lương thưởng cho nhân viên còn người dân thì cần tiền mặt để phục vụ chi tiêu Tết.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm rõ rệt so với đầu năm. Không chỉ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng giảm do quy định mới về trần lãi suất mà lãi suất kỳ hạn dài cũng giảm mạnh. Số ngân hàng niêm yết lãi suất trên 8%/năm hiện chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay, và chủ yếu là ở các ngân hàng nhỏ.
Đơn vị: Tỷ đồng, %