Ngân hàng, ngân sách và trớ trêu lãi suất
Với nghịch lý lãi suất này, ngân hàng vừa làm vừa xót về chi phí...
- 24-10-2016Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm: Nhẹ gánh ngân sách
- 23-10-2016Lãi suất huy động giảm: Dòng tiền vẫn đổ vào ngân hàng
- 22-10-2016Ngân hàng cũng gặp khó khi hạ lãi suất cho vay
Ngày 20/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Nhưng phải đến 24/10, thông tin chính thức mới được công bố.
Ngay sáng 24/10, lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cho biết sẽ xem xét đầu tư khoảng 500 tỷ trong tổng 2.000 tỷ trái phiếu Vietcombank phát hành lần này. Lý do, lãi suất hấp dẫn.
2.000 tỷ đồng trong kế hoạch dự kiến phát hành 8.000 tỷ của Vietcombank góp thêm sự sôi động cho mùa trái phiếu ngân hàng năm nay. Và như dự kiến tham gia của ngân hàng muốn đầu tư 500 tỷ nói trên, lãi suất ở đây là hấp dẫn.
Thế nhưng, với Vietcombank, chi phí trong kế hoạch phát hành này có một “khoảng lặng” được tính toán không hề dễ chịu.
Mục đích của đợt phát hành nhằm từng bước triển khai kế hoạch dự phòng, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Điều này cho thấy triển vọng được các cơ quan chức năng duyệt kế hoạch bán vốn cho GIC (quỹ đầu tư của Singapore) mờ dần đi, dù hai bên đã có bản thỏa thuận đầu tư từ đầu tháng 9 vừa qua.
Đây là trái phiếu dài hạn, tới 10 năm, được tính vào vốn cấp 2, giúp nâng CAR khỏi chìm vào vi phạm quy định hoạt động, khi kế hoạch tăng vốn, qua bán cho GIC, đang kém khả thi. Lãi suất trái phiếu bằng bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm “Big 4” cộng thêm 1%/năm. “Khoảng lặng” không dễ chịu nằm ở đây.
Vietcombank vừa quyết định giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm sâu từ 1-1,5%/năm lãi suất cho vay, thế nhưng, với kế hoạch phát hành trái phiếu này họ phải trả lãi suất rất cao.
Trớ trêu, một ngân hàng đang có mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất thị trường, phổ biến dưới 6,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn của họ cũng cố tìm khách tốt để chào cỡ 6%/năm, vốn có trạng thái dư thừa, nhưng vẫn phải đi vay (qua trái phiếu nói trên) với lãi suất khoảng 7,5-7,7%/năm.
Chưa hết, gánh nặng lãi vay này sẽ tiếp tục kéo dài theo kỳ hạn của trái phiếu, bất chấp Vietcombank có thừa vốn huy động giá thấp đi nữa. Và nếu phải dùng hết kế hoạch phát hành 8.000 tỷ trái phiếu, chi phí trớ trêu đó là đáng kể.
Nếu như cổ đông lớn Nhà nước, đang chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, thể hiện vai trò hỗ trợ tốt hơn cho ngân hàng tăng vốn, cải thiện hệ số CAR, thì đã không phải dùng đến biện pháp tài chính có chi phí trớ trêu đó. Bớt gánh nặng, bước nhanh hơn, nộp ngân sách Nhà nước sẽ tốt hơn. Đây không phải là suy đoán chủ quan, vì năm rồi, Vietcombank đã nộp về ngân sách tới 4.400 tỷ, lớn nhất trong hệ thống. Và năm nay, đây đang là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống.
Nhìn sang Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng không mấy khác biệt về tình cảnh.
Cuối cùng, BIDV cũng đã phải nộp về ngân sách Nhà nước phần cổ tức 2015, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, thay vì có thể tranh thủ nguồn lực này bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngân sách Nhà nước đã không nhượng bộ, không hỗ trợ, không thể hiện vai trò là cổ đông lớn nhất, thì BIDV phải tìm cách huy động, tương tự với trái phiếu dài hạn để tính vào vốn cấp 2.
Vẫn là trớ trêu, ngân hàng dư vốn, đang cho vay lãi suất ngắn hạn chỉ khoảng 6%/năm, lại phải đi huy động trái phiếu lãi suất cao vượt trội 7,5-7,7%/năm. Và tương tự Vietcombank, con đường cải thiện CAR của BIDV cũng phải vá víu với chi phí như vậy, càng khó mở rộng kinh doanh để nâng lợi nhuận, tăng nộp ngân sách.
Điểm an ủi ở hướng đi này, có chăng là chờ đợi tương lai. Giả dụ, trong vòng 5 năm tới, cả Vietcombank và BIDV cùng bán vốn cho nước ngoài thành công, hoặc cổ đông Nhà nước “mở lòng” đầu tư thêm vốn, CAR theo đó được cải thiện bền vững, họ có thể mua lại trái phiếu đã phát hành để chủ động cắt gánh nặng chi phí lãi suất cao này.
Đó là hy vọng ở tương lai, tính hiện thực chưa rõ. Còn lúc này, kế hoạch tài chính 2016 của những “ông lớn” này đều cho thấy một thực tế: kỷ luật thu ngân sách, xét riêng ở đây, chặt chẽ đến khắc nghiệt, phải thu và nộp toàn bộ, như không tính toán đến thiệt hơn.
Như vậy liệu có tình huống “tham bát bỏ mâm” không, bởi nếu ngân sách năm nay hỗ trợ họ tăng vốn, nâng cao CAR thì họ sẽ kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn và sẽ nộp cho ngân sách nhiều hơn, trước hết là về thuế rồi đến cổ tức?
Tình huống vẫn chỉ là tình huống. Vì hiện BIDV đã buộc phải nộp cổ tức bằng tiền về Bộ Tài chính rồi; kế hoạch bán cổ phần để tăng vốn của Vietcombank cũng mờ dần khả năng được duyệt. Không và khó có phép màu thay đổi ở đây.
VnEconomy