MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hút ròng 100.000 tỷ đồng, lãi suất có tăng?

19-03-2024 - 20:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong 7 phiên giao dịch liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã “mạnh tay” hút ròng tổng cộng 100.000 tỷ đồng thanh khoản thông qua kênh tín phiếu.

Đã hút 100.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong 7 phiên liên tiếp

Trong phiên giao dịch ngày 19/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, tổng cộng có 13 thành viên tham gia đấu thầu và 10 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ngày 19/3 đã giảm 0,05 điểm phần trăm so với phiên đầu tuần xuống 1,35%/năm. Đây là phiên thứ 7 liên tiếp Nhà điều hành chào bán tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Trong tuần trước, từ ngày 11 đến ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu động thái chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng. Theo các chuyên gia, việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy, định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành, qua đó thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, gián tiếp kiềm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND - vốn đang chịu nhiều áp lực và đang được giao dịch mức cao lịch sử.

Như vậy, sau 7 phiên khởi động lại việc chào bán tín phiếu, từ ngày 11-19/3, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng 100.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, với khối lượng trúng thầu trong 6 phiên trước đó đạt 15.000 tỷ đồng/phiên và phiên hôm nay là 10.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từ 1,35 - 1,4%.

Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hút ròng 100.000 tỷ đồng, lãi suất có tăng?- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu động thái chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng

Dù vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua. Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 0,79% trong phiên 15/3, từ mức 1,21% ghi nhận tại phiên 14/3 và 1,47% vào phiên 13/3.

Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng giảm như: Kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1,68% xuống 1,1%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,81% xuống 1,43%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 2,01% xuống 1,6%.

Việc lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại đi cùng số lượng thành viên tham gia chào thầu tín phiếu vẫn ở mức khá cao phản ánh thanh khoản hệ thống vẫn còn khá dồi dào. Điều này sẽ thúc đẩy khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành thêm tín phiếu trong thời gian tới.

Nhìn lại đợt phát hành tín phiếu gần nhất là giai đoạn 21/9 - 8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trong 35 phiên liên tiếp với khối lượng tổng cộng 360.345 tỷ đồng. Trong đó, mức hút ròng (khối lượng tín phiếu phát hành lũy kế - khối lượng tín phiếu đáo hạn lũy kế) cao nhất trong giai đoạn này là 255.600 tỷ đồng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, tỷ giá bắt đầu giảm và duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11/2023. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng mạnh lên hơn 2% trong giai đoạn từ ngày 21/9 - 25/10/2023 - phản ứng với động thái hút tiền. Ngân hàng Nhà nước đã dừng phát hành tín phiếu từ phiên 9/11/2023 khi tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt và bơm trả dần số tiền đã hút ra khỏi hệ thống trước đó.

Tín dụng sẽ sớm tăng trở lại?

Đánh giá về động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian này, chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, động thái hút ròng của chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm, đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hút ròng 100.000 tỷ đồng, lãi suất có tăng?- Ảnh 2.

Tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia cho biết tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%. Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Trong phiên 11/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14 - 0,15%/năm).

“Thanh khoản khá dồi dào nên Ngân hàng Nhà nước cần hút thanh khoản về. Tuy nhiên, đây chưa phải nguyên nhân quan trọng nhất”, vị chuyên gia nói.

Ông cho biết thêm, động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là qua đó đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. Theo cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa giảm lãi suất ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay.

“Việc Fed duy trì ở lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá trong thời gian vừa qua đã có những biến động, từ đầu năm đến giờ tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5%”, TS Cấn Văn Lực phân tích.

Vị chuyên gia cũng đưa ra nhận định, năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã từng sử dụng công cụ này vào tháng 9 và bây giờ bắt đầu sử dụng lại. Tuỳ vào thanh khoản ở các ngân hàng vì có tăng trưởng tín dụng thấp mà Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định khối lượng hút ròng.

“Tuy nhiên, theo tôi đánh giá việc này sẽ không sử dụng quá thường xuyên, Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp quá mạnh bởi chi phí của nó chính là lãi suất”, vị chuyên gia nói và cho biết sẽ khó xảy ra kịch bản Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục nhiều như kỳ tháng 9 năm ngoái.

Trong khi đó, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệp trong hoạt động kinh doanh nguồn vốn tại các ngân hàng nhận định, quy mô phát hành tín phiếu đợt này có thể tương đương hoặc ít hơn so với giai đoạn tháng 9/2023 do tín dụng sẽ sớm tăng trở lại khiến thanh khoản hệ thống không còn quá dư thừa.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, BSC nhận định, hoạt động hút ròng tín phiếu là một hoạt động nghiệp vụ, công cụ điều tiết và không có hàm ý đảo chiều chính sách. Mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.

Trước đó, trong giai đoạn 2018 - 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm. Thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hút ròng trung bình khoảng 9,7 lần/năm trong giai đoạn này, số ngày từ đầu chu kỳ đến cuối chu kỳ trung bình/đợt là khoảng 13,4 ngày. Giá trị hút ròng trung bình/chu kỳ đạt 43.385 tỷ đồng. Giá trị hút ròng lớn nhất/chu kỳ là 191.100 tỷ đồng vào năm 2022.

Với những đánh giá trên, BSC dự báo quy mô hút ròng (khối lượng tín phiếu phát hành lũy kế - khối lượng tín phiếu đáo hạn lũy kế) cao nhất giai đoạn này có thể vào khoảng 150.000 tỷ đồng.

Còn Chứng khoán SSI dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì hoạt động hút ròng ít nhất trong vòng 2 tuần tới. Nếu duy trì tốc độ phát hành tín phiếu như hiện nay (15.000 tỷ đồng/phiên), dựa vào dự báo của SSI, có thể ước tính rằng tổng khối lượng hút ròng là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, tương như như giai đoạn cuối năm 2023.


Theo Ngân Thương

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên