MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng số của các nhà băng có gì đặc biệt?

15-10-2021 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng số của các nhà băng có gì đặc biệt?

Bên cạnh những nhu cầu tài chính cơ bản như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm,..., một số ngân hàng số sẽ có những tính năng phục vụ nhu cầu tài chính cao cấp hơn. Các nhà băng cũng có hướng phát triển riêng cho ngân hàng số của mình để thu hút người dùng.

Theo thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây, hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng tốt. Vụ thanh toán NHNN cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Để đạt được kết quả trên, các ngân hàng thương mại những năm qua đã đua nhau đầu tư công nghệ để số hóa hoạt động, nhiều khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Không chỉ hợp tác với các Fintech, để tiếp cận những công nghệ mới nhất, tốt nhất, nhiều nhà băng hiện nay đã tiên phong hợp tác với các "ông lớn" trong giới công nghệ để chuyển đổi số bài bản và toàn diện. Điển hình mới đây, VIB đã công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với gã khổng lồ Microsoft trong 3 năm để triển khai nền tảng điện toán đa đám mây (multi-cloud). Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác, hai bên cũng sẽ triển khai các dự án quan trọng về an ninh mạng, Big Data, AI, Open API, IoT, ... nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của VIB.

Trước đó, một nhà băng lớn khác là Techcombank cũng chọn hợp tác với Amazon Web Services làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Được biết, khoản đầu tư cho những cú "bắt tay" này là không hề nhỏ, tuy nhiên, lãnh đạo những ngân hàng này cho biết, sự hợp tác là cần thiết và kỳ vọng sẽ tạo ra cú đột phát trong nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Quá trình chuyển đổi số bao gồm nhiều khía cạnh không chỉ số hóa các kênh phân phối mà còn số hóa hoạt động bên trong của ngân hàng. Ở góc nhìn của khách hàng, dễ nhận thấy nhất là việc các nhà băng tung ra các App ngân hàng số với nhiều tính năng thuận tiện cho người dùng.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều ngân hàng số, của cả nhà băng và fintech. So với Mobile Banking hay Internet Banking, ngân hàng số có nhiều ưu điểm nổi bật và được người dùng đánh giá cao. Những tính năng phổ biến có thể kể đến chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm online, vay online, mở tài khoản từ xa,…là những tính năng mà ngân hàng số nào cũng có.

Bên cạnh những nhu cầu tài chính cơ bản như trên, một số ngân hàng số sẽ có những tính năng phục vụ cao cấp hơn. Chẳng hạn, ứng dụng MyVIB còn cung cấp dịch vụ mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến, mở thẻ tín dụng trực tuyến với công nghệ AI, hay mua quà tăng e – voucher, gửi thiệp điện tử,…Với chiếc điện thoại di động có cài đặt ngân hàng số trên tay, khách hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ các nhu cầu liên quan đến tiền một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, ngân hàng số còn giúp người dùng dễ dàng quản lý chi tiêu và tối ưu hóa tài sản của mình.

Các nhà băng cũng có hướng phát triển riêng cho ngân hàng số của mình để thu hút người dùng. MB quảng bá mạnh chương trình mở tài khoản số đẹp và đã thu hút được lượng người lớn tham gia. TPBank thì đẩy mạnh các Livebank, các điểm giao dịch không có nhân viên, hoàn toàn sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

OCB có các đợt tổ chức game trúng thưởng trên ứng dụng OCB OMNI với những phần quà hấp dẫn. Mới đây, nhà băng này đã công bố kết quả quay số chương trình "Ngàn ưu đãi – triệu tri ân" ,"Lướt OMNI, Free Macbook". Trong đó, giải đặc biệt - sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng, ngoài ra còn có 9 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng; 18 sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng; 27 sổ tiết kiệm trị giá 15 triệu đồng. 

Ngoài ra, tiên phong áp dụng công nghệ mới cũng là cách để các ngân hàng số chiếm được lợi thế trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay. Năm ngoái, khi việc đăng nhập các ứng dụng ngân hàng số, ngân hàng điện tử còn chủ yếu bằng mật khẩu thì VIB là ngân hàng đầu tiên ứng dụng tính năng đăng nhập Face ID thông minh giúp khách hàng đăng nhập ứng dụng MyVIB nhanh chóng và an toàn hơn. Mới đây, nhà băng này cũng tiếp tục tiên phong trong việc áp dụng quy trình duyệt hạn mức và cấp thẻ hoàn toàn trực tuyến cho tất cả các dòng thẻ tín dụng, cho phép khách hàng mở thẻ mà không phải đến chi nhánh, cũng không cần gặp nhân viên hay hồ sơ. Sau 30 phút đăng ký, khách hàng có thể được phê duyệt và bắt đầu chi tiêu ngay dù chưa cầm thẻ vật lý trên tay.

Không chỉ thu hút ban đầu, các ngân hàng sẽ có các chương trình nhằm gắn kết lâu dài với khách hàng như tích điểm đổi quà, hoàn tiền chẳng hạn như VIB chú trọng xây dựng các chương trình loyalty, tích xu thưởng MyVIB ReWards. Xu thưởng có thể được sử dụng để thanh toán cho các dịch vụ, tiện ích trên MyVIB với giá trị quy đổi tương đương tiền mặt. 

Tương tự, OCB cũng có chương trình tích điểm đổi quà thông qua OMNI Rewards. Khách hàng khi phát sinh sử dụng dịch vụ trên Ứng dụng OCB OMNI được tích lũy điểm để quy đổi thành các quà tặng có giá trị. Loại quà tặng tương ứng với số điểm được OCB quy định cụ thể trong từng thời kỳ.

Không chỉ cung cấp nhiều tính năng, dịch vụ một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn, điểm quan trọng khác trong nâng cao trải nghiệm người dùng trên ngân hàng số còn là gia tăng bảo mật, an toàn giao dịch. Hiện nay, hầu hết ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, VPBank, VIB, ...đều đã áp dụng công nghệ xác thực Smart OTP thay cho phương thức nhận OTP qua SMS. Theo đó, khách hàng có thể giao dịch an toàn hơn, đặc biệt là những giao dịch tài chính giá trị cao. Việc lấy OTP cũng đơn giản, dễ dàng và đặc biệt không cần sóng điện thoại, thuận tiên cho các khách hàng đi du lịch, công tác ở nước ngoài.

Ánh Dương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên