MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tận thu phí dịch vụ

09-05-2017 - 08:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Không chỉ phải trả 20-25 loại phí khi sử dụng thẻ ATM, nhiều khách hàng cho biết một số ngân hàng đang có xu hướng tăng và "đẻ" thêm nhiều loại phí.

Một số ngân hàng (NH) thương mại vừa kiến nghị NH Nhà nước xem xét lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bù đắp chi phí đầu tư khiến nhiều chủ thẻ lo lắng.

Đủ kiểu thu

Anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết vừa thực hiện giao dịch nộp tiền mặt vào tài khoản cho một công ty mở tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên cùng địa bàn với số tiền chỉ 600.000 đồng nhưng bị mất phí tới 22.000 đồng.

Thắc mắc, anh phản ánh với nhân viên NH thì được giải thích có biểu phí rõ ràng. Tuy nhiên, khi xem biểu phí được niêm yết công khai trên website của Vietcombank, giao dịch "nộp tiền mặt vào tài khoản người khác" trong cùng hệ thống, cùng tỉnh, TP là miễn phí.

Nhiều khách hàng bức xúc về phí của ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

"Tôi thường chuyển khoản qua NH điện tử với mức phí khoảng 10.000 đồng nhưng do có việc gấp nên tôi nghĩ vào phòng giao dịch của NH nơi công ty đó mở tài khoản trực tiếp sẽ miễn phí và công ty nhận được tiền ngay. Ai ngờ cũng bị tốn phí, mức phí lại cao. Nhân viên NH còn nói nếu nộp tiền mặt vào tài khoản cá nhân mới miễn phí còn tài khoản công ty thì không, trong khi biểu phí của NH không hề ghi rõ điều này" - anh Dũng bức xúc.

Thường sử dụng dịch vụ NH điện tử (Internet Banking) để giao dịch chuyển, nhận tiền nhưng mới đây, chị Võ Thị Ngọc (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết NH nơi chị mở tài khoản còn thu cả phí của chủ tài khoản khi nhận tiền. Một đồng nghiệp trong cơ quan chuyển cho chị Ngọc 2 triệu đồng qua dịch vụ NH điện tử của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và chị bị trừ 1.100 đồng phí dịch vụ dù chuyển cùng hệ thống, cùng tỉnh, TP.

"Giao dịch trên máy ATM bị trừ đủ loại phí, giao dịch trên NH điện tử cũng bị trừ không ít nhưng nhận tiền từ tài khoản khác cùng NH, cùng tỉnh, TP cũng bị trừ phí là một kiểu tận thu" - chị Ngọc nhận xét.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một số NH thương mại có xu hướng tăng phí dịch vụ trong thời gian qua theo hướng áp dụng thêm nhiều loại phí hoặc tăng mức phí ở từng dịch vụ. Chẳng hạn, chị Mai Anh (ngụ quận 9, TP HCM; chủ thẻ Eximbank) vừa nhận được thông báo trừ tiền trong tài khoản cho phí SMS Banking thu 3 tháng/lần với mức 33.000 đồng, trừ phí thường niên Internet Banking 108.900 đồng. Từ cuối năm ngoái, Eximbank bắt đầu áp dụng thu thêm phí quản lý tài khoản đối với khách hàng cá nhân có số dư bình quân dưới 300.000 đồng/tháng, mức phí 11.000 đồng/tháng…

Các giao dịch rút tiền, chuyển khoản trên máy ATM của NH thương mại khác trước đây miễn phí, nay cũng bắt đầu thu 1.100-3.300 đồng/giao dịch rút tiền nội, ngoại mạng.

Nên tìm hiểu kỹ các loại phí

Chủ thẻ tín dụng của nhiều NH thương mại cũng phản ánh phải trả nhiều loại phí với mức phí khá cao. Là người thường xuyên đi nước ngoài nên chị Ngọc Châu (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) mở thẻ tín dụng của NH Citibank, chi nhánh tại Việt Nam. Mỗi lần đi công tác hoặc du lịch, chị thường đặt vé máy bay, khách sạn… thanh toán bằng thẻ tín dụng nhưng phí chuyển đổi ngoại tệ khá cao, khoảng 4%. Trong khi các loại phí phạt thẻ tín dụng cũng không hề rẻ. Chỉ cần chủ thẻ đóng tiền trễ 1 ngày sẽ tự động bị trừ tiền phạt mà không nhận được thông báo, tin nhắn nhắc nhở của NH.

"Có lần tôi chuyển khoản qua Internet Banking để đóng tiền vào buổi tối của ngày đến hạn, sáng hôm sau NH nhận được nhưng vẫn âm thầm thu phí trễ hạn của tôi tới 300.000 đồng" - chị Châu nói.

Khi giao dịch tại quầy, có nhiều loại phí dịch vụ phát sinh không phải khách hàng nào cũng biết hoặc tìm hiểu kỹ trong khi lại không được nhân viên NH tư vấn cụ thể. Đơn cử, chị Võ Thị Ngọc cho biết vài ngày trước, chị cần chuyển 30 triệu đồng cho người quen trong cùng hệ thống. Tài khoản của chị lúc đó chỉ còn 20 triệu đồng, nếu nộp thêm 10 triệu đồng tiền mặt cho đủ rồi chuyển sẽ tốn phí nhiều hơn việc chị rút toàn bộ 20 triệu đồng ra rồi… nộp tiền mặt vào tài khoản người khác.

"Mỗi NH có biểu phí khác nhau, mức phí khác nhau nhưng không phải khách hàng nào cũng biết rõ và tìm hiểu kỹ nên cứ như "ma trận" phí. Không ít lần tôi bức xúc vì trả phí xong mới biết nếu sử dụng dịch vụ khác sẽ có mức phí thấp hơn" - chị Ngọc bộc bạch.

Theo quy định của NH Nhà nước, mỗi NH đều phải công khai niêm yết các loại phí dịch vụ trên website của NH hoặc tại chi nhánh, phòng giao dịch cho khách hàng rõ. Nhưng mỗi NH có hàng chục biểu phí khác nhau nên không phải khách hàng nào cũng biết. Chẳng hạn, chỉ tính riêng biểu phí dịch vụ rút gọn cho thẻ ATM của NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đã có hàng loạt phí như phát hành và chuyển đổi hạng thẻ thông thường, phát hành nhanh, quản lý tài khoản thẻ theo tháng, phát hành lại thẻ, cấp mã PIN, vấn tin và in sao kê giao dịch thẻ, rút tiền mặt, chuyển khoản, tra soát khiếu nại, chuyển khoản liên NH…

Đại diện Vụ Thanh toán NH Nhà nước cho biết tương ứng với mỗi sản phẩm dịch vụ mới NH thương mại tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối chi phí bỏ ra để cung ứng dịch vụ và phù hợp từng đối tượng khách hàng.

Theo đó, khách hàng chỉ phải trả phí cho dịch vụ mình sử dụng. Chẳng hạn, với phí dịch vụ thẻ ATM gồm các loại phí: phát hành thẻ, thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản, sao kê… Hiện các NH đầu tư hệ thống ATM khoảng 400-600 triệu đồng/máy, cùng với chi phí lắp đặt, bảo trì, an ninh nên việc thu phí nhằm bù đắp chi phí đầu tư là cần thiết.

Không nên để khách hàng thấy bị "tận thu"

Chuyên gia tài chính NH, TS Bùi Quang Tín, cho rằng khách hàng sử dụng dịch vụ NH phải trả phí là đúng nhưng quan trọng là bao nhiêu và NH nên thu những khoản nào chứ không phải áp dụng quá nhiều loại phí như hiện nay. Khi khách hàng sử dụng thẻ ATM và duy trì số dư trong tài khoản, NH cũng được hưởng các khoản tiền gửi không kỳ hạn chứ không phải chỉ bỏ ra chi phí đầu tư. NH thương mại còn có thể bán chéo sản phẩm để tăng doanh thu thay vì thu đủ, thu đúng sẽ khiến khách hàng có cảm giác bị "tận thu". Đồng thời, khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ các loại phí trước khi sử dụng dịch vụ, tránh để cảm thấy không thỏa đáng khi trả phí.

Theo Linh Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên