MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 3% người lao động bị mất việc làm tại Việt Nam - thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng, và chỉ 1/3 số hộ gia đình tại Việt Nam bị giảm thu nhập so với trên một nửa ở các nền kinh tế khác.

WB nhận định, xu hướng trong các biến kinh tế vĩ mô, tài khóa và tài chính cho thấy Việt Nam đã ứng phó rất thành công với khủng hoảng Covid-19. Câu chuyện thành công tương tự cũng được thể hiện qua các dữ liệu vi mô, các khảo sát doanh nghiệp và hộ gia đình.

Mặc dù vậy, khủng hoảng hiện nay vẫn là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng dự kiến ở mức 2,8% cho năm 2020, thấp hơn khoảng 4,2 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng gần đây. Tuy mức giảm vẫn là ít so với hầu hết các quốc gia, những vẫn đáng kể đối với một nền kinh tế vốn quen với tăng trưởng cao và hầu như đạt toàn dụng lao động trong 25 năm qua.

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị - Ảnh 1.

Báo cáo WB nhấn mạnh, cú sốc này đã để lại hàm ý quan trọng cho hoạt động của thị trường lao động trong nước, và một bộ phận người lao động, chủ yếu là nữ giới, cũng như các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thất nghiệp tăng hầu hết ở khu vực đô thị

Mặc dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải giảm lương và giờ làm. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình cũng phải cắt giảm hoạt động.

Mặc dù tổng tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã quay lại mức gần như trước khủng hoảng sau khi tăng tạm thời trong quý 2/2020, nhưng điều này chủ yếu thể hiện nam giới có cơ hội quay lại làm việc. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới tiếp tục tăng đến 3,9% vào cuối quý 3/2020, dẫn đến chênh lệch ở mức 1,4 điểm phần trăm giữa tỷ lệ thất nghiệp của nam và nữ.

Đặc biệt, thất nghiệp tăng lên hầu như chỉ là hiện tương ở đô thị. Ngay cả lúc đỉnh điểm tác động của đại dịch vào quý 2/2020, những người muốn làm việc ở nông thôn vẫn có thể tìm được việc làm.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm đáng kể và chưa thể hồi phục đầy đủ như giai đoạn trước đại dịch, trong đó nữ giới quay lại lực lượng lao động sớm hơn so với nam giới. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 4 điểm phần trăm từ quý 4/2019 đến quý 2/2020, phần lớn mức giảm diễn ra trong quý hai.

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị - Ảnh 2.

Nguồn: Khảo sát lực lượng lao động tại Việt Nam.

Mặc dù tỷ lệ tham gia đã được phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với các mức trước đại diện trong quý 3. Tỷ lệ tham gia của lao động nữ giảm trên 5 điểm phần trăm so với 3,5 điểm phần trăm của nam giới, nhưng nữ giới quay lại lực lượng lao động sớm hơn, với mức giảm chỉ 1 điểm phần trăm so với tỷ lệ tham gia trước đại dịch, so với mức giảm 2 điểm phần trăm của nam giới.

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị - Ảnh 3.

Nguồn: Khảo sát lực lượng lao động tại Việt Nam.

Khủng hoảng lần này cũng để lại tác động đến việc làm với sự khác biệt theo ngành. Nếu nói hầu hết các ngành đều bị mất việc làm trong giai đoạn từ quý 1 đến quý 2, thì tác động lớn nhất lại rơi vào các ngành bán buôn và bán lẻ, là ngành cung ứng lượng việc làm lớn thứ hai. Tuy ngành này chỉ đóng góp 1/5 lượng việc làm ở đô thị, nhưng chiếm đến trên 1/3 số việc làm bị mất.

Số lượng việc làm bị mất nhiều cũng rơi vào các ngành lưu trú, dịch vụ tài chính, giáo dục, vận tải và bất động sản. Ngành nông nghiệp cũng bị mất nhiều việc làm, nhưng chỉ là sự khuếch đại của xu hướng vốn đã có từ trước đại dịch. Việc làm trong ngành nông nghiệp vốn đã bị giảm bình quân 2% mỗi quý trong những năm qua.

Trường hợp ngoại lệ duy nhất chỉ diễn ra ở các ngành dịch vụ chuyên môn cao, và ở ngành chế biến chế tạo, là ngành có việc làm lớn nhất ở khu vực đô thị. Hai ngành này có số lượng việc làm tăng lên từ quý cuối năm 2019 đến quý 2/2020.

Ngân hàng Thế giới: Covid-19 gây tăng mạnh thất nghiệp ở nữ giới, đặc biệt tại khu vực đô thị - Ảnh 4.

Nguồn: TCTK và ước tính của Ngân hàng Thế giới

Mức lương thực tế bình quân giảm mạnh do khủng hoảng. Lương thực tế bình quân giảm 10,2% trong giai đoạn từ quý 1 đến quý 2/2020 và vẫn đi ngang trong quý 3. Mức lương giảm xuống xóa đi hầu hết thành quả tăng lương từ quý 4/2019, phản ánh sự đình trệ về các hoạt động kinh tế, thể hiện tác động liên tiếp của cú sốc hiện nay đến thị trường lao động.

Nhìn chung, các doanh nghiệp cũng đã khôi phục sau đợt cách ly ban đầu khi được mở cửa nhiều hơn và tổn thất về doanh số giảm xuống. Khoảng 94% doanh nghiệp cho biết đã mở cửa lại vào tháng 9-10/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Các doanh nghiệp ở điểm trung vị cho biết tác động đến giảm giờ làm, giảm nhu cầu và gián đoạn nguồn cung đầu vào đã đỡ hơn, doanh số vẫn bị suy giảm nhiều (36% so với năm trước), và tỷ lệ nhân sự làm việc ròng chưa được khôi phục, vẫn thấp hơn nhiều so với tháng 1.

Cuối cùng, báo cáo kết luận khủng hoảng Covid-19 tạo ra sự bất bình đẳng qua ảnh hưởng khác nhau đến người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ tổn thương mới nổi lên để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung và dài hạn.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên