MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tuần qua: “Đau đầu vì thừa tiền”, đua cho cho vay trả nợ ngân hàng khác, tài sản toàn ngành sụt giảm

10-09-2023 - 16:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: “Đau đầu vì thừa tiền”, đua cho cho vay trả nợ ngân hàng khác, tài sản toàn ngành sụt giảm

Tuần qua, ngành ngân hàng cũng ghi nhận những thông tin đáng chú ý liên quan đến diễn biến giá cổ phiếu và hoạt động chia cổ tức, thưởng cho cổ đông.

Hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!

Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản;… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Ngân hàng đua nhau cho khách vay trả nợ ngân hàng khác

Ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/9, nhiều ngân hàng thông báo sẽ cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất hấp dẫn.

VietinBank mới tung ra gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Với chính sách mới tại VietinBank, khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như: Bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay tại VietinBank.

Trước đó, BIDV cho biết khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.

Vietcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.

Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

Tổng tài sản ngành ngân hàng bất ngờ giảm hơn 327.000 tỷ trong tháng 7

Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/7/2023 ở mức hơn 18.442.412 tỷ đồng, giảm 327.488 tỷ đồng so với cuối tháng 6, tương đương giảm 1,7%.

Sự sụt giảm chủ yếu đến từ hai nhóm là NHTM Nhà nước và NHTM Cổ phần. Theo đó, tài sản các NHTM Nhà nước đã giảm hơn 157.000 tỷ so với cuối quý 2, xuống còn 7,501 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 2,1%); tài sản các NHTM Cổ phần giảm gần 127.200 tỷ xuống còn gần 8,382 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 1,5%.

Ngoài hai nhóm ngân hàng trên, khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài và Công ty tài chính, cho thuê cũng có quy mô tài sản giảm trong tháng 7 với mức thu hẹp lần lượt là gần 45.200 tỷ và 6.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ba nhóm ghi nhận tổng tài sản tăng so với cuối quý 2 là Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ Tín dụng nhân dân.

Hai ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức, thưởng

Hội đồng Quản trị Eximbank đã quyết định 25/9/2023 ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức 18% bằng cổ phiếu.Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/9/2023.

Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến sôi động

OCB cũng vừa thông báo 21/9/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/9/2023.

Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tỉ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Từ ngày 5-8/9/2023, có đến 21/27 mã ngân hàng tăng giá. Trong đó, OCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất, đóng cửa tuần ở mức 21.300 đồng/cp, tăng 8,7%.

Đáng chú ý, cổ phiếu OCB cũng đã ghi nhận chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp tổng cộng 8,7%. Các mã tăng mạnh tiếp theo mà ABB (8%), NVB (6,3%), MSB (5,4%), NAB (5,3%),…

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn biến động nhẹ, trong đó VCB (+0,4%), BID (+0,1%), CTG (-0,5%). VPB và TCB diễn biến tích cực hơn với mức tăng lần lượt 4,1% và 2,5%.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu giảm giá như SSB (-2,1%), EIB (-1,9%), TPB (-1%),…

Thanh khoản khớp lệnh toàn ngành đạt gần 1.500 tỷ trong tuần qua, tương đương bình quân 3.700 tỷ đồng/phiên. Trong đó, STB vẫn là “ông vua” thanh khoản với giá trị giao dịch hơn 2.700 tỷ đồng. Các mã MBB, SHB, VPB có thanh khoản đạt 1.300-1.600 tỷ đồng.

Ở phương thức thoả thuận, TCB chứng kiến giao dịch đột biến phiên 5/9 và 8/9 với khối lượng và giá trị lần lượt là 37,5 triệu cp - 1.206 tỷ đồng và 45,8 triệu cp - 1.530 tỷ đồng.

Khối ngoại có động thái gom mạnh VPB của VPBank trong tuần qua, đặc biệt là 2 phiên 6/9 và 8/9 với giá trị mua ròng lên tới 421 tỷ và 501 tỷ đồng, chủ yếu theo phương thức thoả thuận. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng sở hữu tại VPB lên 16,62%.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên