Ngân hàng tuần qua: NHNN "ế " vốn, lãi suất giảm trên khắp các mặt trận
Ngân hàng Nhà nước bị “ế” vốn cho vay OMO 4 ngày liên tiếp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất giảm trên cả thị trường 1 và thị trường 2.
- 26-03-2023Hôm nay 26/3, Agribank và VietinBank cùng đón sinh nhật tuổi 35: Những điều ít biết về hai "ông lớn" ngân hàng khi mới thành lập
- 26-03-2023Một ngân hàng dự kiến không chia cổ tức trong năm thứ 11 liên tiếp
- 26-03-2023Trước thềm thoái vốn, Petrolimex gửi bao nhiêu tiền tại PGBank?
Lãi suất đồng loạt giảm trên thị trường 1
Trong tuần qua, loạt ngân hàng từng có lãi suất tiền gửi trên 9%/năm đều đã điều chỉnh xuống dưới mốc này.
Tại BaoVietBank, lãi suất cũng đã khoảng 0,1-0,2 điểm % so với tuần trước. Hiện lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,9% và kỳ hạn 36 tháng là 8,5%/năm.
HDBank cũng mới điều chỉnh lãi suất từ ngày 23/3. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hình thức tiết kiệm online giảm từ 9%/năm xuống 8,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên 8,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 36 tháng 6,9%/năm.
Đáng chú ý, từ ngày mai (27/3), LienVietPostBank sẽ áp dụng biểu lãi suất mới và giảm ở khá nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở đi được điều chỉnh giảm 0,2 điểm % xuống 9%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất 6 tháng là 8,5%/năm và 12 tháng là 8,6%/năm.
Khảo sát đến hết tuần này, tại kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn SCB và ABBank niêm yết từ 9%/năm. Tuy nhiên, xấp xỉ mốc này thì có khá nhiều nhà băng, có thể kể đến Kienlongbank, BaoVietBank, BacABank, VietBank, NamABank, HDBank, GPBank với mức áp dụng 8,8-8,9%/năm.
Bên cạnh lãi suất tiền gửi, một số ngân hàng gần đây cũng thay đổi lãi suất cơ sở (để tính lãi suất cho vay) theo định kỳ như Techcombank và SHB.
Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank thì triển khai các gói cho vay ưu đãi với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 23/3 đã giảm xuống còn 1,34%/năm - mức thấp nhất kể giữa tháng 7/2022. So với cuối tuần trước, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa và giảm gần 5 điểm % so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.
Ngoài sự hỗ trợ chính sách của NHNN, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn do nhu cầu tín dụng còn thấp. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/2 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước “ế" vốn trên thị trường mở
Thanh khoản dồi dào cùng với lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp khiến các nhà băng không còn mặn mà với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) của NHNN.
Trên thị trường mở, phiên 24/3, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5,5% nhưng không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, đây là phiên thứ 4 liên tiếp NHNN bị “ế” vốn trên thị trường mở.
Việc NHNN bị “ế” vốn qua các phiên chào thầu không có gì khó hiểu. Ngoài thanh khoản dồi dào hơn thì lãi suất chào thầu mà NHNN đưa ra là 5,5%/năm cao hơn lãi suất liên ngân hàng. Do đó,các ngân hàng đang ưu tiên vay mượn lẫn nhau thay vì tìm đến NHNN.
Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 18% trong năm nay
Eximbank tuần qua đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 146.600 tỷ. Eximbank cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này sẽ thực hiện trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 mục tiêu là 5.000 tỷ, tăng 35%. Trước đó, năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng tới 207% so với cùng kỳ, đạt 3.709 tỷ đồng và vượt xa kế hoạch (2.500 tỷ).
Tại Đại hội, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 18%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
ACB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 vượt 20.000 tỷ
Theo tờ trình Đại hội cổ đông thường niên 2023, ACB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2023 là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Cổ phiếu VPB dẫn đầu ngành về tăng giá và thanh khoản
Tuần giao dịch vừa qua (20/3 - 24/3) tiếp tục chứng kiến sự phân hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng với 8 mã tăng giá, 6 mã đứng tham chiếu và 13 mã giảm giá.
Trong đó, VPB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với mức tăng 7,4%, đóng cửa tuần tại mức giá 21.150 đồng/cp. Như vậy, tính riêng từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu VPB đã tăng gần 25%.
Xếp sau VPB, lần lượt là LPB (+4%) SHB (+2,4%), PGB (+2%), MBB (+1,7%), OCB (+1,3%), SGB (+1,1%), ACB (+0,8%).
Ở chiều ngược lại, TPB giảm mạnh nhất ngành với mức -3,5%. Đứng sau là VBB (-3,1%), HDB (-2,4%), EIB (-2,3%), NAB (-2,1%), VAB (-2%). Nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là CTG và BID cũng giảm lần lượt 1,7% và 1,6%.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang so với tuần trước đó với hơn 789 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 14.457 tỷ đồng.
Trong đó, MSB dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch khi có gần 161 triệu cp được trao tay; trong đó có hơn 155 triệu cp theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, VPB vẫn đứng đầu ngành về giá trị giao dịch với gần 2.864 tỷ đồng.
Nhịp sống Thị trường