MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt ghi điểm với nhà đầu tư ngoại

11-05-2021 - 16:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngành Ngân hàng sẽ thu hút được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư ngoại. Không chỉ vì ngành Ngân hàng giữ vai trò huyết mạch, là trụ cột của nền kinh tế, mà từ chính nội lực khi các ngân hàng vẫn duy trì được kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây ra, Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 2,91% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Bước sang năm 2021, với nền tảng kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định. Đặc biệt, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra thành công như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mở đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026; Chính phủ mới tiếp tục kiên định với "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hồi phục tích cực hơn sẽ tạo đà tăng trưởng GDP bật mạnh trở lại từ nền kinh tế thấp 2020...

Ngân hàng Việt ghi điểm với nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

VPBank vừa bán 49% vốn của FE Credit cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC

Không chỉ người dân Việt Nam mà các tổ chức nước ngoài cũng đặt kỳ vọng cao đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bài phân tích của ADB đăng tải trên báo The Business Times của Singapore tuần qua, ADB nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc ở mức 6,7% trong năm nay và 7% vào năm 2022. Động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam theo cơ quan này là lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng, bất chấp sự bùng phát các ca bệnh Covid một số nước láng giềng. Những cải cách đang diễn ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đa phương bao gồm gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến sẽ "tiếp thêm nhiên liệu" cho đà tăng trưởng.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, sự ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ quyết liệt hành động, một môi trường kinh doanh cải thiện, tăng trưởng kinh tế bền vững trong nhiều năm qua, nhất là giai đoạn diễn ra dịch bệnh Covid... là những điểm sáng giúp Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại trong thời gian tới. Trong đó chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ thu hút được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư (NĐT) ngoại. Không chỉ vì ngành Ngân hàng giữ vai trò huyết mạch, là trụ cột của nền kinh tế, mà từ chính nội lực khi các ngân hàng vẫn duy trì được kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn.

Chung quan điểm, chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét, hệ thống ngân hàng đã vượt qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp một cách an toàn, hiệu quả, kết quả kinh doanh tốt góp phần quan trọng giữ vững tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021.

Với một thành quả như vậy, dĩ nhiên các NĐT nước ngoài rất quan tâm tới các ngân hàng Việt Nam. Mới đây, VPBank vừa ký kết bán 49% vốn tại Công ty tài chính FE Credit cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - Công ty con của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC, Nhật Bản). Giá trị thương vụ lên tới 1,37 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam minh chứng cho sức hấp dẫn của lĩnh vực tài chính - ngân hàng đối với các NĐT ngoại. Việc một tổ chức tài chính lớn của Nhật mua 49% FE Credit với giá cao và trước đó, HDBank và MB cũng đã bán 49% vốn công ty tài chính của mình cho đối tác Nhật Bản (Credit Saison và Shinsei Bank) chứng tỏ hệ thống tài chính nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam.

Cùng với việc giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, theo các chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng gọi vốn ngoại tiếp tục củng cố nguồn lực. Không phủ nhận năng lực tài chính đã được cải thiện rất tích cực trong thời gian qua, thể hiện qua việc nhiều ngân hàng áp dụng cả 3 trụ cột của Basel II, thậm chí một số ngân hàng còn đang triển khai Basel III. Nhưng nhu cầu về vốn của các ngân hàng Việt Nam đang còn rất lớn để thực hiện cho các kế hoạch chiến lược dài hơi hơn trong thời gian tới. Nhất là trước biến động kinh tế toàn cầu ngày càng bất định dưới tác động diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid thì việc gia tăng vốn, gia tăng gối đệm giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Hiện có khá nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, để đạt được tham vọng tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng trong năm 2022 và giành ngôi vị số một về vốn điều lệ, ngân hàng này đang lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, dự kiến thực hiện cuối năm nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong đó phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phần cho NĐT nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài tại ngân hàng lên 9,99%. Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, thương vụ bán vốn cho NĐT ngoại của LienVietPostBank có khả năng sẽ hoàn tất trong năm 2021.

Dù đánh giá rất tích cực các cơ hội gọi vốn ngoại, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu dòng tiền lớn của tổ chức tài chính nước ngoài đang bị hạn chế do đang chịu tác động từ dịch bệnh Covid. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thường các NĐT lớn tìm chỗ an toàn nhất. Những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam dù đang là điểm sáng, nhưng cũng không phải là ưu tiêu hàng đầu của họ. Chỉ khi nền kinh tế thế giới ổn định thì các NĐT từ các nước lớn mới mạnh bạo đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù chưa thể lọt vào "mắt xanh" của các NĐT ở các nước lớn, nhưng TS. Hiếu cho rằng, ngân hàng Việt vẫn khá hấp dẫn đối với các NĐT trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Do vậy, khả năng gọi vốn ngoại của các ngân hàng vẫn có thể thành công, nhưng quy mô không được lớn.

Có quan điểm tương tự, một chuyên gia ngân hàng khác cho rằng, trong thời gian tới, việc gọi vốn ngoại của ngân hàng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng... Thời gian tới, một số ngân hàng khác cũng lên kế hoạch bán lại phần lớn cổ phần nắm giữ tại công ty tài chính như SHB, MSB…

Theo Nguyên Vũ

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên