MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ hai thế giới chao đảo sau vụ bê bối trốn thuế khiến Phạm Băng Băng phải nộp 130 triệu USD tiền phạt

14-02-2019 - 08:15 AM | Tài chính quốc tế

Khoản phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe đối với ngành giải trí này khiến hàng loạt diễn viên, đạo diễn chìm trong lo sợ và một số công ty còn tuyên bố phá sản.

Trong một ngày cuối tháng 7, Phạm Băng Băng, nữ diễn viên có mức cát-xê cao nhất Trung Quốc, dường như đã biến mất. Sự biến mất này xảy ra vào đúng khoảng thời gian chính phủ đang mở một cuộc điều tra gắt gao về những hoạt động liên quan đến thuế của cả ngành công nghiệp điện ảnh. Cả những người hâm mộ và các đạo diễn của cô đều lo sợ về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, Phạm Băng Băng xuất hiện trở lại trên truyền thông một cách khó hiểu. Cô gửi lời xin lỗi công khai tới người hâm mộ và cho biết sẽ trả hơn 100 triệu USD tiền thuế để không phải ngồi tù.

Vụ bê bối của nữ minh tinh 37 tuổi này đã khiến cả ngành công nghiệp điện ảnh nước này chìm trong nỗi sợ. Mỗi tuần đều có những bản báo cáo được xem xét rất kỹ lưỡng về các ngôi sao và công ty. Ngay cả những "ông trùm" của ngành này cũng phải chi 1,7 tỷ USD khoản thuế truy thu sau khi chính phủ kêu gọi tham gia vào việc "tự kiểm điểm và điều chỉnh". Chính động thái này của chính phủ đã khiến cho một loạt những bộ phim và chương trình truyền hình bị huỷ bỏ, thậm chí một số công ty phá sản.

Ông Albert Lee, cựu giám đốc của Emperor Motion Pictures có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: "Một trong số những ngôi sao và đạo diễn lớn nhất đang được theo dõi tất sát sao. Điều đó khiến cho họ cực kỳ lo lắng."

Theo đó, những người trong ngành này đã rất nỗ lực để xoa dịu sự căng thẳng. Vào tháng 12, một nhóm các đạo diễn nổi tiếng đã công bố một lá thư cáo buộc chính phủ về việc ép các nhà làm phim tuân thủ luật pháp phải hứng chịu hậu quả của một số cá nhân gây ra. "Chúng tôi bày tỏ sự bức xúc rất lớn đối với một số ý kiến không công bằng đã vấy bẩn toàn bộ ngành công nghiệp", Hiệp hội Đạo diễn phim Trung Quốc viết.

Ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ hai thế giới chao đảo sau vụ bê bối trốn thuế khiến Phạm Băng Băng phải nộp 130 triệu USD tiền phạt - Ảnh 1.

Phạm Băng Băng - nữ diễn viên có mức cát-xê cao nhất Trung Quốc, phải trả cả trăm triệu USD tiền phạt để không phải ngồi tù.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà sản xuất phim, họ còn phải lẩn trốn. Các công ty sản xuất phim đã phải huỷ bỏ hoặc hoãn các dự án trong khoảng thời gian kiểm tra lại sổ sách và thương lượng về mức thuế truy thu còn nợ. Rất nhiều ngôi sao lớn đã ngừng làm việc và lo sợ rằng sẽ trở thành một Phạm Băng Băng tiếp theo. Ngành công nghiệp còn đối mặt với việc thiếu hụt nguồn tài trợ bởi các ngân hàng đã "lánh mặt" họ sau vụ bê bối này.

Cuộc khủng hoảng này đã để lộ những thiết sót trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một ngành công nghiệp để cạnh tranh với Hollywood. Chính phủ nước này coi việc kinh doanh điện ảnh trong nước là một công cụ phục vụ quyền lực, nó ảnh hưởng tới cách người dân nhìn nhận đất nước, cùng lúc đó giới hạn sự ảnh hưởng của phim ảnh ngoại. Chính phủ từng có kế hoạch cấm tất cả các rạp trong nước chiếu phim của phương Tây và trong những năm gần đây cách tiếp cận này ngày một quyết liệt hơn, họ đưa mức trợ cấp lớn, cho phép ngân hàng nhà nước tài trợ để sản xuất, mở rạp chiếu phim và xây dựng những khu giải trí mới.

Từ năm 2008 đến 2018, số lượng phim được sản xuất tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi lên khoảng 1000, trong khi đó số lượng phòng chiếu phim tăng từ 4000 lên tới hơn 40 nghìn. Mảng kinh doanh truyền hình trong nước đã tăng mạnh nhờ hàng tỷ USD các khoản đầu tư mới từ những công ty công nghệ như Alibaba, Tencent và Baidu.

Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu đang lên cũng rất hứng thú với phim ảnh, điều này giúp một ngành công nghiệp vốn được biết đến chủ yếu là những bộ phim có tính tuyên truyền trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Doanh thu phòng vé hàng năm gần đây lần đầu tiên đã vượt qua mức 60 tỷ NDT (8,8 tỷ USD) và những nhà sản xuất phim của Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng số đó.

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện ảnh tạo điều kiện phát triển cho những "ông lớn" của giới truyền thông, trong đó có anh em Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi, đồng sáng lập của tập đoàn giải trí hàng đầu xứ Trung - Hoa Nghị huynh đệ. Hồi năm 2015, Vương Trung Quân đã không ngần ngại chi 29,9 triệu USD cho một bức hoạ nổi tiếng của Picasso. Tuy nhiên, hàng loạt vụ bê bối trốn thuế bị phanh phui đã khiến chính quyền phải vào cuộc, điều tra những cái tên đình đám với mức cát-xê trên trời.

Ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ hai thế giới chao đảo sau vụ bê bối trốn thuế khiến Phạm Băng Băng phải nộp 130 triệu USD tiền phạt - Ảnh 2.

Vương Trung Quân và Vương Trung Lỗi - hai nhà sáng lập của Hoa Nghị huynh đệ, một trong những tập đoàn giải trí của Trung Quốc. Công ty hiện cũng đang trong giai đoạn khó khăn sau bê bối trốn thuế của Phạm Băng Băng.

Phạm Băng Băng là một trong số đó. Trong nhiều năm, cô được trả mức thù lao cao ngất ngưởng, chỉ tính riêng trong năm 2017 là 44 triệu USD. Nữ diễn viên còn nổi tiếng hơn nhờ góp mặt vào những bộ phim bom tấn của Hollywood. Vụ điều tra về nữ minh tinh được nhen nhóm sau khi một MC truyền hình tiết lộ về hai bản hợp đồng phim "Unbreakable Spirit" (Tinh thần thép) của cô. Theo đó, có thể thấy Phạm Băng Băng đã sử dụng các hợp đồng giả mạo. Một hợp đồng cho biết cô sẽ nhận được 1,6 triệu USD cho một bộ phim. Hợp đồng còn lại là 7,8 triệu USD. Các nhà chức trách sẽ nhận và tính thuế cho hợp đồng đầu tiên, còn số tiền từ hợp đồng thứ hai nữ diễn viên có thể "bỏ túi" toàn bộ. Ban đầu, phía Phạm Băng Băng phản bác nhưng sau đó đã thú nhận. Những người trong ngành còn cho biết việc sử dụng các "hợp đồng âm dương" hay "hợp đồng ma" như thế này là điều phổ biến.

Những cuộc điều tra đối với ngành công nghiệp phim ảnh đang dần chậm lại bởi nền kinh tế đang giảm tốc. Trung Quốc gần đây đã đưa ra báo cáo doanh thu phòng vé với tháng 1 tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, lượng phim sản xuất trong nước cũng đã giảm vào tháng 9 năm ngoái, báo hiệu giai đoạn khó khăn trong tương lai.

Sau một loạt những khó khăn, hàng chục công ty giải trí nhỏ lẻ đã tuyên bố phá sản. Ngay cả Hoa Nghị đầy quyền lực cũng phải tự mua lại cổ phiếu và đi vay một khoản từ Alibaba nhằm trấn an các nhà đầu tư. Wang Ran, CEO của CEC Capital, dự đoán số lượng các công ty trong ngành kinh doanh giải trí của Trung Quốc sẽ giảm 1/3 trong năm tới.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên