MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành da giày có mang về được 20 tỷ USD năm 2021?

Ngành da giày có mang về được 20 tỷ USD năm 2021?

Tính đến giữa tháng 11/2021, ngành da giày và túi xách đã xuất khẩu được 17,5 tỷ USD trong khi mục tiêu mà ngành này đặt ra cho cả năm là đạt 20 tỷ USD.

Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2021 đặt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD, để bù đắp cho những thiệt hại trong năm 2020.

Theo số liệu thống kê gần nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11/2021 đạt 17,5 tỷ USD.  So với cùng kỳ năm ngoái tăng 3,6%. Trước mắt vẫn còn 45 ngày để các doanh nghiệp tăng xuất khẩu cho các đơn hàng đã ký, như vậy, mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của Lefaso rất có khả năng đạt được.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, trong số rất nhiều thị trường xuất khẩu giày dép, riêng thị trường Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 5,98 tỷ USD, chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường EU đứng thứ hai về kim ngạch, đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 22,2%, tăng 5%; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch, đạt 1,26 tỷ USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, xuất khẩu giày dép sang đa số các thị trường tăng.

Những năm qua, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch (liên tục trong nhiều năm tăng ở mức 2 con số), với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Theo số liệu của Lefaso, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và EU chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của cả ngành là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, không chỉ nhà mua hàng thay đổi phương thức đặt hàng mà nhà cung cấp cũng buộc phải thay đổi năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao hàng.

“Tuy đại dịch COVID-19 đã gây ra không ít khó khăn nhưng ngành da giày vẫn đạt được những kết quả tích cực. Song, kim ngạch xuất khẩu của ngành chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, chiếm đến 70 - 80%, dù số lượng doanh nghiệp da giày FDI chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ hơn 10%/ tổng số doanh nghiệp da giày cả nước”, đại diện Lefaso cho biết.

Tháo gỡ điểm nghẽn tạo sức bật sau đại dịch

Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may và da giày là hai trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động. Tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày nên phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải tạo ra điểm nghẽn đối với sự phát triển ngành.

Do vậy, Dự thảo “Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 định hướng” (Dự thảo) do Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, Viện Chiến lược Chính sách Công Thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp thực hiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự thảo.

Sau khi tổng hợp giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa dự thảo, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động Chiến lược, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thẩm định. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021.

Theo đó, Dự thảo sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; đẩy mạnh chuyển đổi từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

Chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển ngành dệt may da giày, nhưng khó khăn lớn nhất mà ngành da giày đang phải đối mặt là về chất lượng nguồn nhân lực.

Vì vậy, Dự thảo cũng đề ra lộ trình triển khai nghiên cứu, dự báo nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp nói chung và dệt may, da giày nói riêng nhằm định hướng tuyển sinh và đăng ký ngành nghề đào tạo cho các cơ sở đào tạo; tăng cường phổ biến thông tin về nhu cầu lao động trong ngành dệt may da giày đặc biệt trước các kỳ tuyển sinh.

Theo Chủ tịch Lefaso, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp da giày muốn tồn tại và phát triển phải dựa trên các trụ cột chính, đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nguyên phụ liệu trong nước; tăng năng suất lao động; quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng số và định vị lại ngành da giày theo hướng khuyến khích, ưu tiên đầu tư ở một số tỉnh miền trung và các tỉnh miền Tây.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của ngành da giày hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực, vì nguồn nhân lực các trường đào tạo ra phần lớn khi các doanh nghiệp tuyển dụng vào phải mất một thời gian cho đi đào tạo lại.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

Trở lên trên