Ngành sữa Trung Quốc lao đao: Nông dân đổ bỏ sản phẩm, giá sữa rớt thê thảm, phần lớn trang trại thua lỗ
Trong khi dư thừa thép hay xe điện có thể xuất khẩu ra nước ngoài thì ngành sữa Trung Quốc với danh tiếng xấu từ vụ Melamine năm 2008 không có được sự lựa chọn đó.
- 08-10-2024Trung Quốc ngừng mua vàng 5 tháng liên tiếp sau chuỗi 18 tháng mua ròng, một 'cá mập' châu Á khác lại 'nổi lên': Lý do là gì?
- 08-10-2024Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ, Trung Quốc tuyên bố đạt cột mốc mới trong lĩnh vực trị giá gần 600 tỷ USD
- 07-10-2024Thực tại đáng sợ của TMĐT Trung Quốc: Bào mòn lợi nhuận người bán đến cùng cực, khiến nền kinh tế giảm phát vì hàng giá rẻ online
Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố "sữa là thứ không thể thiếu cho một quốc gia khỏe mạnh" khi phát động chiến dịch thúc đẩy ngành này.
Mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường an ninh lương thực, cắt giảm sự phụ thuộc vào sữa nhập khẩu, đồng thời nâng cao sức khỏe người dân từ các sản phẩm sữa vốn giàu Protein và Canxi.
Chiến lược này dẫn đến các chính sách trợ cấp cho người nông dân gia tăng đàn bò sữa, đi kèm tuyên truyền nâng cao nhận thức và thói quen tiêu dùng sản phẩm sữa của người dân.
Thế nhưng kết quả đem lại không như kỳ vọng khi người nông dân phải đổ bỏ sữa do giá thu mua thấp hơn chi phí sản xuất.
Sữa và nước mắt
Tờ The Economist cho hay chiến dịch thúc đẩy ngành sữa của Trung Quốc ban đầu đã có một số thành công nhất định. Sản lượng sữa của nước này đã tăng 1/3 kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Thậm chí vào năm 2023, đàn bò tại Trung Quốc đã cho ra sản lượng 42 triệu tấn sữa, vượt mục tiêu của chính phủ cách đó 2 năm.
Thế nhưng người dân Trung Quốc vẫn chẳng yêu sữa như chính phủ mong muốn. Trung bình mỗi người dân nước này chỉ tiêu thụ khoảng 40kg các sản phẩm từ sữa mỗi năm. Tương đương 1/3 mức bình quân toàn cầu và thấp hơn 40% so với mức khuyến nghị của các cơ quan y tế Trung Quốc.
Hậu quả là sản lượng sữa dư thừa vượt xa mức tiêu thụ, các trang trại bò sữa ngập trong sản phẩm thừa chẳng ai muốn mua.
Số liệu của StoneX Group cho thấy giá sữa thô tại Trung Quốc đã giảm 28% kể từ tháng 8/2021. Đến tháng 9/2024, giá sữa thô chỉ còn 3,14 Nhân dân tệ mỗi kg, tương đương hơn 11.000 đồng. Con số này thấp hơn chi phí sản xuất của nhiều trang trại và kết cục là hầu hết người nông dân làm sữa đều thua lỗ từ nửa cuối năm 2023.
Nguyên nhân chính đầu tiên cho việc người dân Trung Quốc không tiêu thụ nhiều sữa là do cơ địa không dung nạp được lactose. Ngoại trừ khu vực Nội Mông, nơi truyền thống người du mục chăn thả gia súc đã có từ lâu thì phần lớn người Trung Quốc không có chế độ ăn uống truyền thống liên quan nhiều đến sữa.
Chính điều này khiến cơ địa của người Trung Quốc không hấp thụ được sữa dễ dàng như Phương Tây.
Mặc dù ngày nay cha mẹ Trung Quốc cho con uống sữa nhiều hơn nhưng các sản phẩm này vẫn chẳng thể trở thành món ăn chính. Việc dân số lão hóa nhanh, tỷ lệ sinh con ngày một giảm khiến nhu cầu sữa cũng đi xuống theo.
Hiện sữa tươi và sữa chua là được tiêu dùng phổ biến tại Trung Quốc trong khi bơ và phô mai, vốn được dùng nhiều ở Phương Tây, vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong các món ăn tại đây.
"Phần lớn người dân không hiểu văn hóa phô mai hay cách thưởng thức nó", anh Liu Yang, chủ một tiệm bán phô mai ở Bắc Kinh than vãn.
Câu chuyện dư thừa sản lượng không phải là hiếm ở Trung Quốc và một giải pháp hiệu quả là xuất khẩu, tương tự như ngành thép, tấm pin năng lượng mặt trời hay xe điện.
Tuy nhiên, các sản phẩm sữa của Trung Quốc khó cạnh tranh được với nước ngoài do phải nhập khẩu phần lớn thức ăn chăn nuôi, dẫn đến chi phí sản xuất cao nếu muốn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, ký ức bê bối vụ sữa có Melamine năm 2008 vẫn còn đó. Việc các doanh nghiệp sữa Trung Quốc vì lợi nhuận bất chấp tất cả, bỏ hóa chất nguy hiểm vào sữa bột khiến 6 em bé tử vong và hàng trăm nghìn người khác mắc bệnh vẫn còn ám ảnh người tiêu dùng nước ngoài.
Tất cả những yếu tố trên khiến người nông dân Trung Quốc đang phải đổ bỏ sữa do không bán được và cũng không muốn tốn thêm tiền bảo quản.
Mặc dù chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, chấp nhận gia súc làm tài sản thế chấp nhưng tình hình vẫn chẳng có nhiều thay đổi.
Thậm chí chuyên gia Li Shengli của Hiệp hội sữa Trung Quốc (CDA) còn kêu gọi tiêu hủy 300.000 con bò sữa để cân bằng lại cung cầu.
Bất chấp điều đó, việc người dân Trung Quốc không quen sử dụng sữa chẳng thể thay đổi, trong khi tỷ lệ sinh giảm càng khiến tình hình trở nên bi đát hơn.
*Nguồn: The Economist
Nhịp sống thị trường