Ngành vật liệu xây dựng đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng chưa từng có
Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đang ở trạng thái lo lắng vì không dự đoán được tương lai (Ảnh minh họa)
Do nhu cầu giảm sút, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã và đang phải đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng.
- 24-11-2022Vincom Retail - Từ chinh phục ‘bán lẻ dưới lòng đất’ đến dẫn dắt ngành BĐS bán lẻ Việt Nam
- 16-11-2022Giải pháp toàn diện cho ngành Nhựa & Cao su tại triển lãm VietnamPlas 2022
- 15-11-2022Ngoài anh trai bầu Thụy, thêm "tay chơi" nhảy vào ngành thép: Một DN vừa được chấp thuận đầu tư DA hơn 60.000 tỷ
- 15-11-2022Trong cơn bĩ cực của ngành thép, anh trai bầu Thụy khởi công dự án thuộc tổ hợp thép quy mô 100.000 tỷ đồng
Với tình trạng này, nhiều nhà máy vật liệu xây dựng phải tạm dừng các dây chuyền, nhiều phân xưởng bị đóng và lao động bị nghỉ việc; nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn để có dòng tiền hoạt động.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trong 20 năm qua, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước đã và đang phát triển mạnh mẽ với quy mô thuộc top 15 nước có quy mô sản xuất hàng đầu thế giới.
"Đặc biệt, ngành VLXD đã xuất khẩu tới 20 quốc gia với những nhiều sản phẩm chủ đạo, có những sản phẩm đứng TOP đầu thế giới như xi măng, clanhke, sắt thép…", ông Kỳ nhấn mạnh.
Tuy vậy, do thị trường thế giới có nhiều bất ổn như cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc vẫn tiếp tục thắt chặt; trong nước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp, và thị trường bất động sản tiếp tục "đóng băng"… khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD đối mặt với nhiều khó khăn.
ĐƠN HÀNG GIẢM SÚT NGHIÊM TRỌNG
Phân tích từng ngành, lĩnh vực, ông Đinh Hồng Kỳ cho biết, ngành xi măng Việt Nam có 56 nhà máy với tổng số 87 dây chuyền và năng lực sản xuất là 120 triệu tấn.
Trong năm 2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành vẫn tiêu thụ được 101 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng tiêu thụ tụt xuống 62 triệu tấn.
Tương tự, sản xuất và xuất khẩu clanhke (là thành phần nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất xi măng - chất kết dính dùng trong xây dựng) luôn đứng đầu thế giới. Nhưng, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu giảm tới 50%, làm sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng giảm tới 30%.
Lĩnh vực gạch ốp lát và sứ vệ sinh - luôn đứng top 25 nước xuất khẩu lớn trên thế giới, với năng lực sản xuất lên tới 800 triệu m2 gạch/năm, đặc biệt khi thị trường bất động sản tốt thì sức tiêu thụ trên 400 triệu m2 gạch/năm. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay lượng tiêu thụ đã có sự sụt giảm mạnh.
"Bên cạnh những khó khăn đã nêu, các sản phẩm công nghệ cũ của Trung Quốc sang theo đường tiểu ngạch bán với giá thấp, khiến thị trường trong nước bị cạnh tranh lớn", ông Kỳ cho biết thêm.
Ngoài ra, với năng lực sản xuất lên tới 300 triệu m2, ngành kính xây dựng luôn có lượng tiêu thụ tốt ở mức 250-260 triệu m2 hàng năm. Tuy vậy, 9 tháng đầu năm mới tiêu thụ được 120 triệu m2 (bẳng 50% so với năm trước).
GIÁ BÁN THẤP HƠN GIÁ VỐN
Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, trong khi đơn hàng sụt giảm, thì chi phí đầu vào của ngành xi măng cụ thể là than (chiếm 55% giá thành) đã tăng đột biến.
"So với thời điểm giá bình ổn giá than đã tăng lên 262%. Như vậy, chi phí sản xuất xi măng tăng 30% trong cầu sụt giảm, giá không tăng. Có những nhà máy phải bán lỗ từ 100-300 nghìn đồng/tấn, càng bán càng lỗ", ông Kỳ quan ngại.
Đặc biệt, sắp tới đây, Nghị định 101 của Chính phủ quy định tăng thuế xuất nhập khẩu clanhke xi măng tăng từ 5% lên 10%, có hiệu lực từ 1/1/2023 sẽ làm doanh nghiệp ngành xi măng chồng chất khó khăn.
"Các doanh nghiệp đã có kiến nghị tới Chính phủ hoãn lại Nghị định này một thời gian nữa để ngành xi măng phục hồi", ông Kỳ cho biết.
Trong lĩnh vực thép, các doanh nghiệp phải đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh.
"Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo", ông Kỳ quan ngại.
CẮT GIẢM CHI PHÍ TỐI ĐA ĐỀ DUY TRÌ TỒN TẠI
Trước những khó khăn này, ông Đinh Hồng Kỳ cho biết, tại các nhà máy xi măng đã phải đóng cửa từ 1-2 dây chuyền hay các nhà máy sản xuất gạch ốp lát giảm đến 50% sản lượng. Đồng nghĩa với việc lượng công nhân cắt giảm là một hiện trạng thực tế.
Hiện nay, các lãnh đạo các nhà máy cũng chỉ có thể giữ được lao động chủ chốt và buộc phải cho nghỉ những lao động dễ tuyển, không có nhà máy nào đảm bảo cho 100% lao động đủ việc làm.
"Chưa có số liệu chung của toàn ngành nhưng ngành sử dụng nhiều lao động thì sẽ cắt giảm nhiều, ngành nào tự động hóa dây chuyền cao thì lao động cắt giảm ít. Ngoài việc cắt giảm hợp đồng lao động, đa số các nhà máy cho lao động đi làm 3 ngày trong tuần hoặc đi làm luân phiên", ông Kỳ cho biết.
Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đang ở trạng thái lo lắng vì không dự đoán được tương lai.
"Thị trường Nhật Bản luôn là thị trường tiêu thụ các VLXD ổn định của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhưng tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên khách hàng đột ngột dừng đặt các đơn hàng, họ chỉ lấy các đơn hàng đã đặt từ trước. Chúng tôi đã đặt câu hỏi liệu dừng các đơn hàng đến bao giờ? Tất cả các nhà phân phối ở các thị trường trọng điểm đều trả lời rằng không thể dự đoán được trong tình hình hiện nay", ông Kỳ nêu cụ thể thực trạng với một thị trường lớn.
Thậm chí, có những doanh nghiệp sản xuất VLXD bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu.
Trước thực tế này, các doanh nghiệp ngành VLXD đang trong trạng thái cắt giảm chi phí tối đa từ nhân công, hay marketing... để làm sao có dòng tiền để duy trì sự tồn tại.
"Do thị trường bất động sản đóng băng và tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm, nếu Chính phủ cùng các bộ ngành đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng đường cao tốc trên cao, có sử dụng bê tông, sắt thép thì ngành VLXD có thể bám vào như là cứu cánh của ngành trong bối cảnh hiện nay", ông Kỳ hy vọng.
Nhịp sống doanh nghiệp