MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày mai, Quốc hội tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên 2021

Ngày mai, Quốc hội tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên 2021

Bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên sẽ góp phần quan trọng huy động tối đa sáng kiến, trí tuệ của người dân, cử tri và các nhà khoa học ở trong và ngoài nước để Quốc hội làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình.

Khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững sẽ bắt đầu cho chuỗi các sự kiện thường niên của Quốc hội và các cơ quan liên quan vào ngày 5/12.

Trước đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí việc khởi động lại Diễn đàn Kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vốn đã gián đoạn từ năm 2017 và “nâng cấp” lên thành Diễn đàn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp thực hiện với các cơ quan chiến lược là Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Chủ đề của Diễn đàn sẽ tập trung vào “phục hồi và phát triển bền vững”, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng cho biết, mục đích của Diễn đàn là phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu Quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam trong và ngoài nước, để hỗ trợ cho Quốc hội nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia.

Phạm vi Diễn đàn Kinh tế thường niên sẽ mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ các vấn đề kinh tế mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường, nâng cao năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021- 2030, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm, an sinh xã hội…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng qua Diễn đàn sẽ góp phần hình thành các luận cứ khoa học thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để Quốc hội, Chính phủ tham vấn trong quá trình xây dựng các báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; thu hút sự quan tâm, giám sát của Nhân dân, cử tri đối với các vấn đề mà xã hội quan tâm.

Ngày mai, Quốc hội tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên 2021 - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội


Đổi mới, sáng tạo

Trước khi Diễn đàn Kinh tế 2021 lần này được tổ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế, xã hội vào cuối tháng 9 vừa qua tại Tòa nhà Quốc hội. Mặc dù quy mô và phạm vi nhỏ hơn để phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội xây dựng các báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 nhưng cuộc Tọa đàm được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả, thực chất, góp phần giúp các cơ quan của Quốc hội tổ chức thành công Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Tiếp tục nhìn nhận những thách thức khó lường từ đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế trong nước, để duy trì đà tăng trưởng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đặt ra chủ đề “Phục hồi và Phát triển bền vững”. Trước đó, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cũng xác định điều chỉnh chính sách tài khóa tiền tệ với liều lượng hợp lý, phối hợp chính sách với nhau và phối hợp với chính sách khác để hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng.

Trong Nghị quyết của Quốc hội Kỳ họp thứ 2 giao Chính phủ 2 việc, một là xây dựng chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế. Hai là xây dựng chương trình tổng thể về phòng, chống dịch theo chuyển đổi đặt trọng tâm vào thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, giao cho Chính phủ xây dựng các giải pháp về tài chính, tiền tệ để báo cáo với Quốc hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm Đổi mới, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Do đó, chủ đề của Diễn đàn sẽ tập trung vào “phục hồi và phát triển bền vững”, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Do vậy, ý nghĩa đặc biệt dành cho Diễn đàn lần thứ nhất này sẽ phục vụ hiệu quả cho các quyết sách của Quốc hội về Gói chính sách tài khóa, tiền tệ (hỗ trợ cho Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ) dự kiến sẽ được bàn thảo tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 12 này.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực, một diễn giả chính của Diễn đàn cho rằng sự kiện này cũng như cách thức tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, nhân dân vừa qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo rõ nét trong đổi mới hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua.

Việc tổ chức Diễn đàn để huy động trí tuệ của số đông, nhất là các chuyên gia hàng đầu về các vấn đề kinh tế, xã hội ở trong nước và nước ngoài sẽ là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng đề cập khi làm việc với các cơ quan của Quốc hội hồi đầu năm 2021.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên