MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm lương

Nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm lương

Đối với người lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi, thì được hỗ trợ thêm 0,4 hoặc 0,2 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình, về việc sửa đổi chính sách đối với người lao động dôi dư khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, chính sách đối với người lao động dôi dư phát sinh một số bất cập như: không thống nhất trong cách xác định thời gian làm việc, để áp dụng mức hỗ trợ và thời gian làm việc để tính khoản tiền hỗ trợ; chưa quy định cụ thể thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, dẫn đến một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa, đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, nên không có nguồn kinh phí để chi trả chế độ cho người lao động.

Nội dung các chính sách trong Nghị định số 63/2015/NĐ-CP được xây dựng căn cứ theo Bộ luật Lao động năm 2012, chế độ tiền lương năm 2004 và chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2015 - 2020, đến nay các căn cứ này đã có sự thay đổi.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho rằng, cần phải ban hành Nghị định mới, quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thay thế Nghị định số 63/2015/NĐ-CP. Nhằm đảm bảo tính thống nhất của các các văn bản quy phạm, và khắc phục những vấn đề bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể, đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998, hoặc trước ngày 26/4/2002, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề nghị sửa đổi tuổi nghỉ hưởng lương hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường từ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, lên đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035. 

Căn cứ theo lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, và Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Sửa đổi cách tính tiền hỗ trợ thêm cho người lao động dôi dư, từ hệ số so với mức lương cơ sở sang hệ số so với mức lương tối thiểu vùng bình quân.

Theo đó, đối với người lao động dôi dư được nghỉ hưu trước tuổi, thì được hỗ trợ thêm 0,4 hoặc 0,2 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi, trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp thì được hỗ trợ 0,05 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp.

Trường hợp người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi, trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo hình thức giải thể, phá sản thì được hỗ trợ 0,2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp.

Đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998, hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau: người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, và được hưởng trợ cấp thôi việc, hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Bộ luật Lao động.

Chính sách đối với người đại diện phần vốn của doanh nghiệp được hưởng như người lao động dôi dư.

Về thời gian và tiền lương làm căn cứ tính chế độ đối với người lao động dôi dư, dự thảo sửa đổi quy định về thời gian làm việc làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sửa đổi cách tính thời gian làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, để tính khoản tiền hỗ trợ để đảm bảo tính thống nhất.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên