Nghịch cảnh tại các phiên đấu giá đất
Tại một số tỉnh thành hiện nay tổ chức đấu giá đất dù đã trúng nhưng vẫn bỏ cọc, còn ở vùng ven Hà Nội, loại hình bất động sản này thời gian gần đây vẫn nóng. Nhà đầu tư chia sẻ, thời điểm thị trường chững như hiện nay, giới đầu tư sẽ có tâm lý thu hẹp phạm vi đầu tư về gần trung tâm và những khu vực có hạ tầng sắp được triển khai.
Trong những năm qua, nhu cầu đầu tư bất động sản liên tục tăng cao nhưng nguồn cung có pháp lý rõ ràng trở nên thiếu. Giai đoạn 2020 - 2021, các phiên đấu giá đất dù ở bất kỳ tỉnh thành nào đều thu hút được lượng lớn nhà đầu tư quan tâm, tham gia, tấp nập kẻ bán người mua, sang tay nhau liên tục.
Cùng đó là các mức giá được đưa ra trong phiên đấ giá đất cao ngất ngưởng, kéo theo là mặt bằng giá trong khu vực cũng thay đổi sau mỗi phiên đấu giá. Những người trúng cũng thu được lợi không nhỏ khi có trong tay đất đấu giá.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành bắt đầu rục rịch tổ chức đấu giá đất trở lại. Tuy nhiên, tình cảnh trái ngược xảy ra khi các phiên đấu giá đất ở các tỉnh hầu như đều đìu hiu, thậm chí chênh lệch nhẹ cũng có thể trúng nhưng vẫn bỏ cọc, còn tại vùng ven Hà Nội liên tục là những mức giá xô đổ những kỷ lục trước đó.
Đơn cử, mới đây, UBND huyện Nam Sách (Hải Dương) vừa quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất với 14 lô đất ở vị trí quy hoạch dân cư mới thôn An Điền, xã Cộng Hòa cuối tháng 6 vừa qua.
Ảnh: Báo Hải Dương.
Lý do, 14 lô đất khách hàng đã trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định về đấu giá quyền sử dụng đất. Số tiền các khách hàng đã nộp tham gia đấu giá những lô đất này là hơn 2,7 tỷ đồng.
Hay tại Nghệ An, UBND huyện Diễn Châu có quyết định 1467/QĐ-UBND về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Qua đó, 73 lô đất bị hủy bỏ kết quả với số tiền thu nộp ngân sách gần 16 tỷ đồng, từ khách hàng được công nhận trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng hạn theo quy định.
Trái ngược với các tỉnh, thời gian gần đây, nhiều phiên đấu giá tại ven Hà Nội được tổ chức, nhiều mặt bằng giá mới được thiết lập. Tại huyện Mê Linh, 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm với tổng giá trúng đấu giá là 98,36 tỷ đồng, chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm (58,96 tỷ đồng).
Kết quả, lô 01 có diện tích 129,7 m2 nằm ở vị trí lô góc có mức giá trúng cao nhất 85,5 triệu đồng/m2, tương ứng gần 11,1 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá khởi điểm. Lô đất 02 có diện tích 95,6 m2 và giá trúng là 75,5 triệu đồng/m2, tương ứng hơn 7,22 tỷ đồng. Khách hàng trúng đấu giá đất đã nộp đủ tiền.
Gần đây, huyện này tiếp tục tổ chức đấu giá 33 lô đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, mức giá cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2. Cụ thể, lô LK-B-01 có diện tích 160m2, giá trúng lên tới 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng, chênh 8,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, lô đất LK-A-01 có diện tích 193m2, giá trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng.
Tại huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 42 lô đất, giá khởi điểm từ 8 - 48,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng ghi nhận mức giá trúng cao gấp 2 - 5 lần so với giá khởi điểm. Cá biệt, lô đất LK1-03 có diện tích 99,5m2, giá khởi điểm 12,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng lên tới 66,8 triệu đồng/m2, tương đương 6,6 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với giá khởi điểm.
Ở khu vực Đông Anh, các đơn vị liên quan cũng vừa tổ chức đấu giá 18 thửa đất để xây dựng nhà ở với diện tích 1.438,1 m2 tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ.
Giá khởi điểm cho các thửa đất từ 40,8 - 55,1 triệu đồng /m2, tùy diện tích và vị trí. Kết thúc phiên đấu, tổng số tiền thu được là gần 100 tỷ đồng, với mức trúng từ 46,8 – 105 triệu đồng/m2.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm tại Hà Nội, thời gian gần đây nhiều phiên đấu giá ở các tỉnh tổ chức dù có nhiều người vẫn tham dự nhưng mức giá trúng không cao, thậm chí chỉ cần chênh 1 bước giá là có thể trúng, khác hẳn so với thời điểm năm 2021.
“Trong lúc thị trường sốt, phiên đấu giá đất dù được tổ chức ở rất xa hay vùng quê thì nhà đầu tư vẫn tìm đến tham gia, các mức giá cao gấp nhiều lần so với khởi điểm được đưa ra nhưng vẫn đóng tiền mua đầy đủ. Bởi, khi đó họ dễ dàng lướt sóng, bán qua tay nhanh chóng rồi thu lời. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã chững, những cảnh tượng đó không còn, thậm chí đấu xong sẽ bỏ cọc rất nhiều vì họ khó bán lại”, nhà đầu tư này nói.
Anh Hải cho rằng, không phải khu vực nào đấu giá nhà đầu tư cũng sẽ bỏ cọc mà sẽ xem xét kỹ lưỡng còn yếu tố để tăng giá như hạ tầng sắp triển khai, quy hoạch,...
“Thị trường chững nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn tiền muốn tiếp tục đầu tư nhưng họ sẽ có lựa chọn an toàn. Họ rút gọn tầm khu vực đầu tư lại, thu về các vùng trung tâm lớn hoặc những nơi sẽ có hạ tầng sắp triển khai. Đơn cử như Mê Linh, có vị trí gần nội đô và được kỳ vọng Vành đai 4 sẽ sớm được triển khai. Do đó, nghịch cảnh đã xảy ra với đất đấu giá, ở tỉnh thì nguội nhưng vùng ven Thủ đô thì vẫn nóng”, nhà đầu tư này nêu quan điểm.
Nhịp sống thị trường