MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý Banker: Thường ca thán nhưng ngại nộp đơn nghỉ việc

12-04-2022 - 11:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực trạng chán chường, uể oải, mệt mỏi…là "căn bệnh mãn tính" xuất hiện ở hầu hết banker ở các ngân hàng, dù đó là nhà băng lớn hay nhỏ.

Vấn đề nhân sự ngành ngân hàng thời gian gần đây luôn là chủ đề nóng với những người trong và ngoài ngành. Ở đây, người viết không bàn vấn đề nhân sự thượng tầng, nhân sự cấp cao ở các nhà băng mà nhiều hơn đó là các nhân viên ngân hàng đang loay hoay giữa hai dòng suy nghĩ: ra đi hay ở lại. Trên thực tế, không ít banker hiện nay tỏ ra mệt mỏi với KPIs, ngán ngẩm với cách quản lý, điều hành của sếp; không hài lòng với lương, thưởng, chế độ phúc lợi cũng như lộ trình thăng tiến. Vì sao nhiều banker không ít lần đắn đo, cầm lên, đặt xuống dùng dằng mãi mà vẫn chưa dám nộp đơn xin nghỉ việc?

Vì sao banker chưa dám nộp đơn xin nghỉ việc?

Thực trạng chán chường, uể oải, mệt mỏi…là "căn bệnh mãn tính" xuất hiện ở hầu hết banker ở các ngân hàng, dù đó là nhà băng lớn hay nhỏ. Hình như một bộ phận từ nhân viên đến lãnh đạo các cấp tại ngân hàng, nếu trả lời một câu hỏi thật lòng về công việc hiện tại thì không ít người tỏ ra ngán ngẩm. Nhiều người muốn từ bỏ cảnh đi sớm về muộn, công việc làm hoài không hết, KPIs năm sau cao hơn năm trước,…để kiếm một việc gì đó nhẹ nhàng đầu óc, ít áp lực và có thời gian lo cho gia đình, con cái hơn. Nhưng lần lữa, suy nghĩ càng nhiều, banker càng ngại chưa dám nộp đơn nghỉ việc. Và sau đây là lý do những người trong cuộc còn chần chừ mài đũng quần tại nhà băng đến hôm nay:

Thứ nhất, sau khi nghỉ việc tại ngân hàng, banker chưa xác định được một công việc tốt hơn. Nếu làm việc tại một nhà băng khác, thì liệu có thoát được cái vòng lẩn quẩn chỉ tiêu và áp lực? Còn chuyển sang hẳn một công việc khác lại lo cơm áo gạo tiền. Nên suy đi nghĩ lại, tiền sữa, tiền trường cho con cái…thôi ráng ở lại thêm vài năm rồi tính.

Thứ hai, một số banker thường có vay vốn tín chấp theo chính sách ưu đãi của ngân hàng. Giờ muốn xin nghỉ để làm công việc mới thì lại không đủ tiền trả nợ, giải phóng hợp đồng lao động. Người ngoài ngành thường nghĩ nhân viên ngân hàng lương cao, thưởng lớn. Nhưng ít ai biết sự thật nhân viên ngân hàng thường chỉ làm đủ trang trải cuộc sống và phần nhiều…là con nợ của nhà băng. Chính sách cho vay tín chấp lãi suất ưu đãi vừa là chính sách quan tâm đời sống cán bộ nhân viên, nhưng cũng vừa là cách ngân hàng giữ chân nhân viên.

Thứ ba, ngành ngân hàng có một đặc thù, càng lớn tuổi càng khó xin việc. Ví dụ, nếu bạn là giao dịch viên, nhân viên ngân quỹ,…nếu bước qua tuổi 35 thì cơ hội xin việc vị trí tương tự ở một ngân hàng khác là rất khó. Còn vị trí lãnh đạo, các ngân hàng thường quy hoạch nội bộ, hoặc nếu có tuyển thì họ cũng không tuyển một cán bộ mà đã lớn tuổi, sợ áp lực và mất sức chiến đấu, than thở tại ngân hàng cũ như bạn.

Thứ tư, nhân viên tín dụng, nhân viên sale sau khi nghỉ việc còn nhiều cơ hội qua ngân hàng khác hay qua các ngành sale khác. Nhưng nhân viên bộ phận vận hành như hành chính, văn thư, giao dịch viên, thủ quỹ,…thường ngại ra ngoài làm sale, do ít mối quan hệ và một thời gian quá dài đã quen với việc ngồi trong mát hết giờ rồi về.

Thứ năm, nhân viên ngân hàng đôi khi không dám nghỉ việc bởi vì sự ngăn cản của chính những người thân trong gia đình. Đôi khi cha mẹ, vợ chồng muốn con cái, chồng vợ mình có công việc ổn định và sang chảnh như banker nên thường "bàn ra" mỗi khi bạn có ý định nghỉ việc ở ngân hàng. Vấn đề ở đây đòi hỏi bản lĩnh và lập trường của bạn để có một quyết định phù hợp.

Thứ sáu, đó là tâm lý sợ thất bại của banker khi nghỉ việc. Như đã nói, nhân viên càng làm việc ở ngân hàng lâu năm, càng ngại bước qua vùng an toàn để tìm cho mình một công việc mới phù hợp hơn. Vì vậy mà dù cứ than thở, không "happy" với công việc hiện tại…nhưng vẫn cứ dùng dằng ở mãi.

Nghỉ việc ngân hàng, banker có thể làm gì?

 Sau khi nghỉ việc ở ngân hàng, vẫn có khá nhiều cánh cửa mở ra cho các bạn banker. Có thể kể đến một số công việc như:

Một là, hiện tượng banker "nhảy việc" từ nhà băng này sang nhà băng khác là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Và nó được xem như một trong những biện pháp an toàn sau khi nghỉ việc ở một ngân hàng. Tuy nhiên, như đã nói, nếu chuyển việc sang ngân hàng khác mà vẫn làm công việc cũ, không có thay đổi về vị trí hay thu nhập,…thì bạn cũng nên cân nhắc có nên nhảy việc không? Ngoại trừ các nguyên nhân khách quan như chuyển công tác về gần gia đình, gần điều kiện học tập nâng cao trình độ,…chứ bạn không nên chuyển việc vì "theo" lời mời chào của một "sếp ruột" nào đó.

 Hai là, nếu không tiếp tục làm ở lĩnh vực tài chính, banker vẫn có thể chọn cho mình những công việc khác như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, kinh doanh xe ô tô,…hay những công việc khác liên quan đến ngành nghề bạn học cũng như sở thích của mình. Có một thực tế, khi nghỉ việc banker thường mặc định theo kiểu "đóng khung" cho mình là chỉ làm ở một ngân hàng khác và thường ngại trải nghiệm ở một lĩnh vực mới mẻ hơn.

Ba là, nhân viên ngân hàng có thể khởi nghiệp, mở một doanh nghiệp hoặc kinh doanh tự do một ngành nghề mà mình yêu thích. Thậm chí, có nhiều banker mở quán cafe, kinh doanh, nuôi trồng lĩnh vực nông nghiệp,…vẫn có nhiều thành tựu sau khi rời ghế nhà băng. Sau bao năm làm công, phục vụ và chăm sóc khách hàng, bạn sẽ có đủ kỹ năng và mối quan hệ để xây dựng một doanh nghiệp riêng cho bạn. Và trên thực tế, bạn sẽ không hiếm thấy nhiều banker khởi nghiệp thành công ở một lĩnh vực khác.

Ra đi hay ở lại là do ở bạn

Thật ra, cơ hội nghề nghiệp cũng như những ý tưởng kinh doanh luôn rộng mở với banker khi nghỉ việc. Vấn đề mấu chốt ở đây là bạn phải hiểu được chính bản thân mình đang mong muốn, kiếm tìm một chân trời khát vọng như thế nào mà thôi. Nghĩa là bạn phải xác định rõ sau khi quyết định nghỉ việc ở ngân hàng bạn sẽ tập trung vào công việc gì. Chứ bạn không nên nghỉ việc theo trào lưu hay theo cảm xúc nhất thời chỉ vì bất mãn sếp mà luôn nghĩ đến vấn đề nghỉ việc.

Nếu bạn thật sự cảm thấy quá mệt mỏi, quá áp lực với công việc hiện tại, thấy thu nhập không tương xứng với khả năng của mình, thấy sự bất bình đẳng hay không thấy cơ hội phát triển,…bạn hoàn toàn có thể tự tạo một cơ hội mới cho riêng mình. Nhưng đã quyết định nghỉ việc thì bạn phải dứt khoát và chuẩn bị kỹ một kế hoạch hoàn hảo như vấn đề việc làm, "lương thảo", làm gì sau khi nghỉ việc. Còn nếu bạn vẫn chưa đủ sẵn sàng để nghỉ việc thì thay vì ca thán, than thở, trách hờn,…bạn nên tập trung cho công việc, bám sát mục tiêu và hoàn thành KPIs một cách tốt nhất có thể.

Tóm lại, ra đi hay ở lại, nghỉ việc hay tiếp tục ở lại nhà băng đều là ở bạn. Như đã nói, vấn đề ở đây quyết định đó phải xuất phát từ chính kiến và lập trường của bạn. Và hãy nhớ đừng bao giờ nghỉ việc vì một cảm xúc nhất thời, hoặc nghe theo tiếng gọi của bạn bè, đồng nghiệp. Còn khi đã xác định nghỉ thì cũng cần quyết liệt để nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới đang chờ bạn phía trước. Đừng nửa ở nửa đi vừa không tốt cho bạn cũng như ngân hàng bạn đang công tác.

https://cafef.vn/nghich-ly-banker-thuong-ca-than-nhung-ngai-nop-don-nghi-viec-20220412111057065.chn

Trần Hoài Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên