Nghịch lý của việc Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh
"Năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF thì Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh và có sức bật trên thế giới, nhưng nghịch lý ở chỗ..." - đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) phát biểu.
- 30-10-2019Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Nhiều chuyên gia nói Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại
- 30-10-2019Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2019: Đạt 1.093,8 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước là 116,9 nghìn tỷ VND, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong số các khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch về cơ cấu này đã cho thấy tư nhân là nguồn động lực quan trọng của phát triển.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, kế hoạch 2020, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng: Kinh tế trong khu vực tư nhân mới phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.
"Điểm vướng mắc ở đây là gì? Nhà nước cần làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân?" - Đại biểu này đặt câu hỏi.
Theo ông So, trước hết cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, chúng ta có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định. Nhưng chính sách đó đã đúng và trúng để giải bài toán nâng cấp nguồn lực chưa?
Cần có sự đột phá về cơ chế chính sách, phá bỏ rào cản trong việc phát triển kinh tế tư nhân, đây là điểm tiên quyết để người dân hồ hởi tham gia làm ăn.
Năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF thì Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh và đứng thứ 67 trên thế giới. Tăng 10 bậc và 3% điểm số. Ông So nêu ra nghịch lý ở chỗ: mặc dù trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng Năng lực Cạnh tranh toàn cầu, thế nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể đã tăng 6,3% so với năm 2018.
"Con số trên khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển?" - Đại biểu So trăn trở.
Trên thực tế, trong 9 tháng có 28,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 11,9 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018, chiếm 42,2% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Doanh nghiệp thông báo giải thể là 9,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 35,2% và 6,4 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 22,6%.
Ông So kiến nghị, cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp hỗ trợ quản lý, tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Thúc đẩy kinh tế tư nhân tăng trưởng chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng.
Theo đại biểu này, phải xác định kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi.
Vì khi tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thì thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên, ông So giải thích. "Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”.