MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý xe buýt trợ giá

Mặc dù Sở Giao thông - Vận tải và các cơ quan chức năng liên quan đã kiến nghị UBND TPHCM khẩn trương trợ giá trọn gói 1.000 tỉ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, rất nhiều chủ xe buýt vẫn đứng ngồi không yên, trong tình cảnh nợ nần, khó khăn chất chồng...

Mòn mỏi chờ trợ giá, hỗ trợ lãi vay ngân hàng...

Anh Mạc Văn Hưng - Hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt Đông Nam - cho biết: “Nhà tôi đã 3 đời làm nghề vận chuyển hành khách công cộng. Nhưng chưa lúc nào, chúng tôi cảm thấy nghề xe buýt khó khăn như lúc này”. Theo chủ trương của chính quyền TP là đổi mới xe buýt hiện đại, thay dần xe buýt cũ, TP sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn... anh Hưng đã đầu tư xe mới 100%, sử dụng nhiên liệu sạch CNG, thân thiện với môi trường...

Ông Nguyễn Văn Dũng (HTX xe buýt Quyết Thắng), nói: “Ngoài mua xe mới, chúng tôi còn phải chi phí nhiều phát sinh khác như: Camera hành trình, máy định vị, đèn led, bảo hiểm xe, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, tiền bến bãi, bảo dưỡng, sửa chữa...”.

Bỏ tiền đầu tư lớn là vậy, tuy nhiên đến nay, chỉ còn 3 tháng nữa hết năm 2018, vẫn chưa thấy TP trợ giá hay hỗ trợ lãi vay... Điều này khiến không ít chủ xe lâm cảnh khó khăn, bế tắc...

Ông Lê Văn Chi (HTX 19/5) nói: “Một chiếc xe CNG có vốn đầu tư rất lớn, từ trên 2 tỉ đồng đến 2,75 tỉ đồng/xe. Để mua xe này, chúng tôi buộc phải vay tiền tứ tung. Kỳ vọng sau khi mua xe, đi vào hoạt động sẽ được TP trợ giá, hỗ trợ lãi vay ngân hàng... Thế nhưng, không biết tới bao giờ, việc trợ giá và hỗ trợ này được quyết định ? Từ không nợ nần, chúng tôi hiện trở thành những con nợ từ 2 - 3 năm nay... Suốt thời gian qua, chúng tôi vẫn phải từng ngày gánh nợ, từng ngày căng mình ra làm việc đắp đổi để chờ đợi, mong có sự giúp đỡ để tiếp tục giữ nghề”.

Ông Mạc Văn Hưng bức xúc: “Chúng tôi không phải ỷ lại, chỉ trông chờ tiền trợ giá từ TP, nhưng có ý kiến gièm pha. Ở đây, chúng tôi mong cái nghề xe buýt được ổn định, rõ ràng, bình đẳng, được hỗ trợ kịp thời, đúng lúc về tài chính... Chúng tôi mong muốn được mọi người tôn trọng. Hãy xem, mỗi ngày, chúng tôi vắt kiệt sức lao động trên những chuyến xe, từ 4 giờ sáng cho đến hết 21 giờ đêm, với biết bao khổ nhọc”.

Ông Hưng cho biết thêm, hàng trăm chủ xe buýt đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Biết rằng, càng duy trì xe chạy mà không có hỗ trợ, ắt một ngày sẽ phá sản; nhưng bắt buộc vẫn phải cố... duy trì chạy, dù lỗ lã, để có đồng vô đồng ra mà trả lãi vay ngân hàng.

Lắm nghịch lý

Tại cuộc họp bàn về trợ giá xe buýt, do Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức vào tháng 9 vừa qua, có ý kiến đòi hỏi việc trợ giá xe buýt phải gắn liền với tỉ lệ gia tăng về số lượng hành khách đi xe buýt. Nếu không đáp ứng điều kiện này, thì việc trợ giá xe buýt sẽ không có ý nghĩa. Hoạt động xe buýt phải tiến dần tới có lãi, chứ không thể lỗ kinh niên mãi...

Thật vậy, trong năm 2018, một số HTX hoạt động chỉ thấy lỗ, chứ không thấy lãi. Thí dụ: 19/5 lỗ 15,3 tỉ đồng, Quyết Thắng lỗ khoảng 6 tỉ đồng.... Từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 5 tuyến xe buýt trợ giá phải tạm ngừng hoạt động, gồm các tuyến buýt số 40, 149, 11 và gần nhất là tuyến 37, 60.

Tài xế Lê Văn Mậu (HTX Quyết Thắng) nói: “Chúng tôi không phải ngồi chờ trợ giá từ ngân sách. Nhưng ở đây, phải thấy rằng, cơ sở hạ tầng của TP quá nhiều vấn đề đặt ra, khiến cho yêu cầu trên rất khó khăn mới đạt được. Từng ngày, những chiếc xe buýt oằn mình trong mật độ phương tiện cá nhân dày đặc. Chúng tôi có muốn chạy nhanh cũng không thể được. Nhiều chuyến xe trễ giờ, hành khách ngán ngại đi xe buýt là điều dễ hiểu.

Rất nhiều lái xe và tiếp viên chỉ lấy công làm lời. Với xe buýt quốc doanh còn có đất đai cho thuê, đầu tư bến bãi bù đắp... Nhưng với xe tư doanh như chúng tôi, thì biết lấy gì bù vào?”.

Theo ông Trần Chí Trung - GĐ Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM: “Vẫn biết các chủ xe, thời gian qua đã mạnh dạn thay thế xe cũ sử dụng hơn 10 năm; mạnh dạn đổ vốn đầu tư xe mới... Tổng cộng có 1.195 xe mới, trong đó có 345 xe sử dụng nhiên liệu sạch (CNG). Song, do nhiều nguyên nhân, dẫn tới việc trợ giá và hỗ trợ lãi vay năm 2018 còn chậm trễ. Đành phải chờ TP xem xét thôi”.

Ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở Giao thông - Vận tải TPHCM - cho biết: “TP dự kiến trợ giá 1.000 tỉ đồng cho các tuyến xe buýt trong năm 2018. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, có nhiều biến động ảnh hưởng đến dự toán trợ giá xe buýt như: Giá nhiên liệu tăng liên tục, việc đầu tư 1.195 xe mới đưa vào hoạt động, với nguyên giá cao hơn nhiều so với nguyên giá trong đơn giá chi phí của trợ giá xe buýt (đặc biệt, với những xe sử dụng nhiên liệu sách CNG), mở thêm 3 tuyến xe buýt mới... Vì vậy, dự toán trợ giá xe buýt giao năm 2018 đã không đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển của lĩnh vực vận tải hành khách công cộng”. Chính các lý do trên, việc trợ giá xe buýt mới tạm ứng một phần (khoảng 500 tỉ đồng); số còn lại vẫn đang được TP xem xét, giải quyết trong nay mai...”

Ông Võ Cúc Phương - GĐ Cty TNHH vận tải Cúc Phương - cho rằng: “Làm sao để TP HCM có một số lượng xe buýt hiện đại, ổn định, hấp dẫn ngày càng nhiều người dân đi xe buýt ? Song, TP cũng phải phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ ăn theo, bảo đảm cho sự phát triển của xe buýt. Không thể như hiện nay, xe buýt hoạt động cầm chừng, trông chờ vô trợ giá, hỗ trợ...; trong khi đường sá vẫn chật chội, xuống cấp, phương tiện cá nhân còn tràn lan, thì nghịch lý trợ giá xe buýt còn ... dài dài”.

Theo Hoàng Hưng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên