Ngoài ăn uống, đây là 4 thói xấu đang “bào mòn” dạ dày, mở đường cho bệnh tật
Ăn uống không lành mạnh không phải là yếu tố duy nhất “hủy hoại” dạ dày của bạn.
- 08-05-2024Người có gan khỏe luôn làm đủ 5 điều này khi ăn uống: Muốn biết dưỡng gan đúng hay sai, hãy kiểm tra ngay
- 27-04-2024Thường xuyên chạy bộ, ăn uống lành mạnh, cô gái 34 tuổi sốc khi phát hiện mắc ung thư
- 24-04-2024Họp lớp ai cũng ăn uống vui vẻ cho tới khi tính tiền 20 két bia: 19 người lập tức rời nhóm lớp!
Sức khỏe đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày rất quan trọng đối với cơ thể. Khi nhắc tới những thói xấu gây hại dạ dày, đương nhiên không thể bỏ qua ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít yếu tố khác đang âm thầm “bào mòn” dạ dày, mở đường cho bệnh tật nhưng ít ai biết đến như:
1. Thường xuyên căng thẳng
Ngày nay, nhịp sống của con người rất nhanh và chịu nhiều áp lực khác nhau trong cuộc sống, nhất là với người trẻ tuổi. Trong khi đó, chức năng của đường tiêu hóa được kiểm soát và điều hòa bởi hệ thống nội tiết và hệ thần kinh. Số lượng tế bào thần kinh mà nó có chỉ đứng sau hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể con người, nó rất nhạy cảm với sự kích thích cảm xúc. Nếu một người bị căng thẳng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, gây hại cho dạ dày. Phổ biến nhất là gây chứng đau dạ dày thần kinh.
Cơ chế căng thẳng gây đau dạ dày là do chúng kích thích hệ thống thần kinh trung ương, làm “tắt” lưu lượng máu, ảnh hưởng đến các cơn co thắt của bộ phận tiêu hóa, từ đó làm cho hệ tiêu hóa có thể bị ngừng trệ. Bên cạnh đó, thường xuyên căng thẳng sẽ kích thích dịch vị dạ dày tăng tiết axit dịch vị, dẫn tới rối loạn axit và gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Căng thẳng lâu ngày còn khiến cơ thể kiệt sức, giảm sức đề kháng, chức năng bảo vệ của niêm mạc yếu dần.
2. Ít vận động, ngồi lâu một chỗ mỗi ngày
Ít vận động ảnh hưởng xấu tới toàn bộ cơ thể theo nhiều cách khác nhau và dạ dày cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là với những người có thói quen ngồi lâu một chỗ nhiều tiếng mỗi ngày.
Việc ngồi liên tục đồng nghĩa với việc các vận động của cơ thể bị hạn chế. Chính điều này khiến nhu động ruột, và dịch tiết ruột - dạ dày có xu hướng giảm. Chưa kể, nó cũng ảnh hưởng xấu tới lưu thông máu và quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày nói riêng và toàn bộ hệ tiêu hóa nói chung. Nó còn khiến cơ thể mệt mỏi, tăng nguy cơ béo phì và tăng áp lực lên dạ dày, tích tụ mỡ nội tạng hay dẫn tới đau dạ dày cùng nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
Vì vậy, dù bận rộn cũng nên cố gắng vận động, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 15 phút mỗi ngày. Nếu phải ngồi lâu do đặc thù công việc, học tập, ít nhất hãy rèn luyện thói quen đứng dậy đi lại, thậm chí đơn giản hơn là giãn cơ tại chỗ 45 - 60 phút một lần.
3. Thức khuya thường xuyên
Ngay cả khi bạn không ăn đêm, việc thức khuya cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của dạ dày. Bởi ban đêm là khoảng thời gian dạ dày cần được nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo các tế bào niêm mạc. Nếu thức khuya thường xuyên, đồng hồ sinh học vốn có của dạ dày sẽ bị rối loạn, cơ quan này phải làm việc quá sức (nhất là nếu ăn khuya) và không đủ thời gian tái tạo, phục hồi.
Thức khuya cũng khiến dạ dày tiết nhiều axit dịch vị hơn. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng viêm loét dạ dày diễn ra hoặc là gia tăng thêm tình trạng bệnh lý (nếu đã mắc trước đó). Thức khuya lâu ngày cũng ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch, dễ gây căng thẳng - đều là những yếu tố gây hại, tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày.
Ngoài ra, thức khuya kéo dài còn khiến cho các lợi khuẩn giảm đi, các vi khuẩn có hại tăng lên làm mất cân bằng sinh thái hệ tiêu hóa. Trong đó, hại khuẩn Helicobacter Pylori (HP) có khả năng làm viêm loét dạ dày - tá tràng sẽ dễ sinh sôi và phát triển khi bạn thức khuya. Hại khuẩn này còn tăng khả năng dẫn đến bệnh ung thư dạ dày đe dọa đến tính mạng.
4. Lạm dụng thuốc
Ngoài gây hại cho gan, thận… thì lạm dụng thuốc cũng là một yếu ảnh hưởng xấu tới sức khỏe dạ dày. Ngày nay, các loại thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng phổ biến và dễ dàng mua tại các hiệu thuốc và rất dễ bị dùng bừa bãi. Trong khi đó các thuốc này làm giảm các yếu tố bảo vệ, chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, dẫn đến tổn thương, kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, đau dạ dày. Khi hàng rào bảo vệ bị suy yếu, các yếu tố gây hại khác như vi khuẩn HP dễ dàng tấn công làm dạ dày tổn thương, viêm loét.
Chưa kể, dù bất kỳ một loại thuốc nào nghiên cứu ra đều có mục đích là chữa bệnh nhưng hầu hết các loại thuốc dùng điều trị đều có thể gây tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ). Trong đó có một số thuốc điều trị một bệnh nào đó nhưng gây hại cho dạ dày.
Vì vậy, không nên sử dụng thuốc bừa bãi, không nên dừng, thay đổi thuốc hay tăng giảm liều lượng thuốc mà không có hướng dẫn của chuyên gia. Khi dùng thuốc điều trị bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước về các tác dụng phụ ảnh hưởng tới dạ dày và cách hạn chế điều này nếu có.
Nguồn và ảnh: Family Doctor, QQ
Phụ nữ mới