MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày?

14-11-2022 - 07:59 AM | Sống

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày?

Ngồi quá lâu khiến mọi nỗ lực tập thể dục trước đó đều là vô nghĩa. Vậy nên hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng nhiều hơn.

Hôm nay, bạn có tập thể dục 30 phút, rồi lại dành phần còn lại trong ngày chỉ để nhìn chằm chằm vào máy tính, và sau đó lại ngồi trước tivi vào buổi tối?

Nếu đúng như vậy, thì bạn chính là mẫu người vừa hoạt động, vừa thụ động. Điều đó cũng có nghĩa là, bất chấp cố gắng tập thể dục, bạn vẫn có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe, theo một nghiên cứu mới đây.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của hơn 3.700 nam giới và phụ nữ ở Phần Lan, cho thấy nhiều người đã tập thể dục nghiêm túc trong nửa giờ. Nhưng sau đó lại ngồi gần như liên tục trong suốt 10, 11 hoặc thậm chí 12 tiếng tiếp theo. Những người này có lượng đường trong máu, cholesterol và chất béo trong cơ thể đều tăng cao.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những ai đứng dậy và di chuyển xung quanh thường xuyên hơn một chút, cho dù là đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập thể dục, về cơ bản đều sẽ khỏe mạnh hơn so với những người chỉ ngồi một chỗ liên tục.

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày? - Ảnh 1.

Vahid Farrahi, một nhà khoa học tại Đại học Oulu, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết kết quả chỉ ra rằng 30 phút tập thể dục mỗi ngày “có thể là không đủ” để giảm bớt những tác hại của việc ngồi lâu.

Nói cách khác, nếu chúng ta tập thể dục, nhưng cũng ngồi lì suốt thời gian còn lại trong ngày, thì cũng coi như ta chẳng tập được gì.

Mặt trái của việc ít vận động

Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia khuyên mọi người nên tập thể dục vừa phải trong ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần. Đi bộ nhanh được coi là một bài tập thể dục vừa phải như vậy.

Nửa giờ gắng sức này giúp cải thiện sức khỏe, tinh thần và tuổi thọ. Nhưng một vấn đề khác là ta sử dụng 23 tiếng rưỡi còn lại như thế nào.

Raija Korpelainen, giáo sư thể dục sức khỏe tại Đại học Oulu ở Phần Lan, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta mới bắt đầu nhận ra rằng hoạt động thể chất là chưa đủ.”

Trước đây, hầu hết các nghiên cứu đều đánh giá riêng biệt việc ngồi một chỗ và tập thể dục, và có xu hướng bỏ qua hoặc xem nhẹ các vận động nhẹ nhàng, như mở hộp thư hoặc đi lấy một tách cà phê.

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày? - Ảnh 2.

Đối với nghiên cứu mới được công bố vào tháng 7, các tác giả đã sử dụng một kho dữ liệu lớn gồm các trẻ em sinh ra ở miền Bắc Phần Lan từ nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã theo dõi cuộc sống và sức khỏe của những đứa trẻ này cho đến khi chúng trưởng thành, và yêu cầu 3.702 người trong số này đeo một thiết bị theo dõi hoạt động trong ít nhất một tuần.

Cứ mỗi 6 giây, các nhà nghiên cứu lại được thiết bị báo cáo ai đó đang ngồi, đi dạo nhẹ hay tập thể dục. Vì các thiết bị này đo chuyển động, nên đứng một chỗ cũng được tính là không hoạt động, như ngồi. 

Những người vừa hoạt động vừa thụ động, chiếm gần 1/3 trong nhóm, là những người ngồi hoặc nằm nhiều nhất, thường hơn 10 tiếng mỗi ngày. Họ cũng chịu khó làm theo các khuyến nghị - khoảng 30 phút tập thể dục vừa phải. Nhưng sau đó, họ hiếm khi đứng dậy.

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày? - Ảnh 3.

Nhóm thứ hai cũng tập thể dục trong 30 phút và ngồi trong nhiều giờ. Tuy nhiên, giữa khoảng thời gian đó, họ thường xuyên đứng lên và đi dạo xung quanh. So với nhóm ở trên nhóm này dành nhiều thời gian hơn, khoảng 40% - tức gần 90 phút mỗi ngày – để thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng.

Nhóm thứ ba cũng ngồi liên tục trong tối đa 10 giờ, nhưng dành ra được khoảng 1 tiếng tập thể dục trong hầu hết các ngày.

Nhóm cuối cùng, được các nhà nghiên cứu gọi là “những người vận động”, đã chịu khó tập thể dục khoảng 1 tiếng mỗi ngày, đồng thời duy trì vận động nhẹ nhàng hơn nhóm thụ động đầu tiên khoảng 2 tiếng.

Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu sức khỏe hiện tại, nhóm vừa thụ động vừa hoạt động là nhóm có có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, tỷ lệ mỡ cơ thể và cholesterol kém nhất.

Các nhóm khác đều có kết quả tốt hơn, với lượng đường trong máu và mức cholesterol được kiểm soát tương đối và lượng mỡ cơ thể ít hơn khoảng 8% so với nhóm vừa thụ động vừa hoạt động, ngay cả khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố khác như thu nhập, hút thuốc, thói quen ngủ, …

Hãy vận động nhiều hơn 

Bài học rút ra từ nghiên cứu là ngoài việc tập luyện thể dục thông thường, ta cần thường xuyên duy trì vận động nhẹ, chẳng hạn như dọn dẹp, đi cầu thang, đi dạo hành lang, … tóm lại là không nên nằm hoặc ngồi lì một chỗ. “Bất kỳ chuyển động bổ sung nào cũng sẽ có lợi", như Farrahi nói.

Ta cũng nên cố gắng tập thể dục nhiều hơn một chút. Trong nghiên cứu này, mọi người được lợi nếu họ tăng gấp đôi thời gian tập thể dục lên tổng cộng 60 phút. Nhưng thậm chí nếu không thể dành từng đó thời gian, thì chỉ cần thêm 10 hoặc 15 phút đi bộ hàng ngày, sức khỏe cơ thể cũng đã được cải thiện đáng kể.

Ngồi 1 chỗ cả ngày hại sức khoẻ ra sao, ngay cả khi bạn tập gym đều đặn 30 phút/ngày? - Ảnh 4.

Matthew Buman, giáo sư tại Đại học bang Arizona ở Tempe, người nghiên cứu về chuyển động và sự trao đổi chất, cho biết: “Mục tiêu cuối cùng là ngồi ít hơn. Và mỗi người chúng ta có thể quyết định cách tốt nhất để đạt được điều đó.”

Phải thừa nhận rằng nghiên cứu này có những hạn chế nhất định. Nó chỉ xem xét cuộc sống của mọi người tại một thời điểm. Nó cũng chỉ thực hiện trên người Phần Lan, hầu hết trong số họ là người da trắng và tất cả đều năng động, họ có thể không đại diện cho số đông và không bao gồm một nhóm so sánh hoàn toàn ít vận động.

Farrahi cho biết: “Tôi muốn nhắc nhở bản thân đi qua đi lại thường xuyên hơn. Hãy đơn giản hóa các giải pháp cho mình. Hãy cố gắng di chuyển nhiều hơn, bất cứ khi nào, bằng bất cứ cách nào có thể, miễn là ta cảm thấy thích. "

Theo Washingtonpost


Thiên An

Phụ Nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên