MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người châu Á học cách thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan

09-04-2020 - 12:01 PM | Sống

Lần đầu tiên hàng triệu người trên thế giới phải làm việc tại nhà trong bối cảnh khắp nơi đang gồng mình đối phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này thực sự không hề dễ dàng.

Abigail Bautista đã quen với đã quen với việc ra khỏi nhà vào lúc 9h mỗi sáng để tới kịp văn phòng.

Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần qua, người quản lý một thương hiệu người tiêu dùng có trụ sở tại Manila (Philippines) đã không phải tới cơ quan. Thay vào đó, cô ngồi làm việc với khách hàng trong căn phòng ăn thoải mái tại nhà, trước màn hình laptop 13-inch.

Giống như hàng hiệu nhân viên công sở khác trên toàn thế giới, Bautista buộc phải làm việc tại nhà do chính phủ yêu cầu người dân ở nhà tự cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Các công ty lớn và nhỏ đang tìm mọi cách để hỗ trợ nhân viên làm việc tại nhà và hoạt động bình thường nhất có thể. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, những vấn đề như tốc độ mạng Internet chậm, thiếu máy tính hay thiếu sự tin tưởng giữa sếp và nhân viên đã khiến cho chuyện làm việc từ xa gặp nhiều khó khăn.

“Tôi có người bạn không có đường truyền Internet ổn định tại nhà và buộc phải sang chỗ hàng xóm để xin nhờ làm việc online”, Bautista nói. “Như thế hoàn toàn đi ngược lại với mục đích ban đầu của chuyện làm việc tại nhà, đó là để đảm bảo sự an toàn của mỗi người”.

Người châu Á chật vật thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan - Ảnh 1.

Vấn đề này lại càng đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành dịch vụ thuê ngoài kinh doanh (BPO). Bởi lẽ, nhân viên cần được kết nối với những thiết bị máy tính cấu hình mạnh có bộ nhớ lớn, cơ sở lưu trữ và đường truyền Internet ổn định.

Tại Philippines và Ấn Độ - hai trung tâm BPO hàng đầu thế giới, chính quyền đã tuyên bố phong tỏa đất nước để giảm thiểu sự lây lan của Covid-19. Dù vậy, hiểu rõ tầm quan trọng của ngành này đối với quốc gia, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho phép nhân viên ngành BPO làm việc bình thường trong thời gian phong tỏa.

Tuy nhiên, rất nhiều công ty thấy rằng việc tiếp tục hoạt động tại văn phòng sẽ rất rắc rối nên quyết định tiến hành làm việc tại nhà. Một trong số đó chính là TaskUs - một công ty có trụ sở tại Ấn Độ.

Công ty này đã phát laptop mới cho một vài nhân viên, còn lại thì cho phép các nhân viên khác mang máy tính bàn từ văn phòng về nhà. Những người không lắp Internet tại nhà sẽ được trang bị thêm một thiết bị phát Wi-fi để có thể kết nối với mạng của công ty.

Theo TaskUs, mục đích then chốt của những chính sách này là trấn an nhân viên và khách hàng rằng “mọi thứ vẫn hoạt động như bình thường”. Nhân viên cần biết công việc của họ vẫn được đảm bảo, còn khách hàng cần yên tâm rằng dịch vụ không bị ảnh hưởng gì.

“Sự chuyển đổi từ làm việc tại cơ quan sang làm việc tại nhà không hề dễ dàng chút nào. Điều này thực sự chưa từng có tiền lệ và xảy ra quá nhanh”, Bryce Maddock - CEO của công ty - cho biết. “Chúng tôi phải giải quyết không chỉ những vấn đề hậu cần mà còn cả những chính sách khác nhau từ chính phủ. Chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi để giữ chân khách hàng, thực hiện khảo sát nội bộ, phân phát thiết bị, trong khi vẫn phải đảm bảo năng suất trong thời kỳ chuyển đổi”.

Người châu Á chật vật thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan - Ảnh 2.

Duy trì tiến độ làm việc như bình thường là một thách thức, ngay cả với những công ty khác không thuộc ngành dịch vụ BPO. Tốc độ đường truyền Internet chậm là một trong những lời kêu ca phổ biến nhất.

Ajay Acharya - quản lý bán hàng tại một công ty dịch vụ hàng đầu ở Ấn Độ - cho biết, kết nối băng thông tại nhà được cho là sẽ xử lý được tốc độ lên tới 50 Mbps, nhưng trên thực tế chỉ dừng lại ở mức 1 Mbps. Trong khi đó, để xem một video với định dạng HD cũng cần ít nhất 5 Mbps.

“Đường truyền Internet kém thực sự gây cản trở cho công việc của chúng tôi. Giờ tôi phải phụ thuộc vào thiết bị phát Wi-fi mà công ty phát cho tôi - nhưng nó cũng chỉ có tốc độ khoảng 10 Mbps vì phụ thuộc vào kết nối điện thoại”, Acharya nói.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Philippines đã phải kêu gọi người dùng stream video hay tải game vào giờ thấp điểm để ngăn hệ thống bị quá tải.

Một nhân viên bảo hiểm đang làm việc tại văn phòng ở Philippines cho một tập đoàn dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu cho biết, anh thường dùng 2 màn hình và đường truyền Internet tốc độ cao để làm việc. Tuy nhiên giờ đây, người đàn ông này chỉ có thể làm việc tại nhà cùng 1 chiếc laptop duy nhất và còn phải chia sẻ băng thông với vợ mình - người cũng đang làm việc tại nhà. Chưa kể, anh còn phải cho 2 đứa con nhỏ xem video thiếu nhi trên mạng để ngăn chúng không làm phiền mình.

Người châu Á chật vật thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan - Ảnh 3.

Một vấn đề nữa mà các ngành kinh doanh phải đối mặt khi làm việc tại nhà: Một mắt xích gặp sự cố sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi hoạt động kinh tế.

Paul Rivera - hiện đang làm việc cho startup Kalibrr tại Manila (Philippines) - đã cho phép hơn 100 nhân viên của mình làm việc tại nhà. Tuy nhiên, để đội sale làm việc hiệu quả, khách hàng cũng phải đẩy nhanh tốc độ.

"Chúng ta đang thấy một sự bất cân xứng, khi mà các công ty công nghệ như chúng tôi vẫn hoạt động bình thường còn phần lớn khách hàng lại không thể do không có đủ trang thiết bị cũng như niềm tin vào nhân viên", anh nhận xét.

Một giáo viên tiếng Anh đang dạy tại một trường ngôn ngữ nổi tiếng ở Jakarta (Indonesia) cho biết, sếp của cô từ chối cho nhân viên làm việc hoàn toàn tại nhà dù số ca nhiễm Covid-19 cứ ngày một tăng lên tại quốc gia này.

"Các lớp học đều đã dừng giảng dạy từ tuần thứ hai của tháng 3, nhưng giáo viên chúng tôi vẫn buộc phải báo cáo cho trường ít nhất 3 lần/tuần", cô kể. "Chúng tôi có thể làm việc từ xa vì có laptop nhưng họ vẫn cứ muốn chúng tôi lên văn phòng. "Điều này khiến tôi khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của tôi".

Tại một số công ty có văn hóa làm việc truyền thống hơn, các chủ lao động đang cố gắng kiểm soát chặt chẽ số nhân viên làm việc tại nhà của mình.

Người châu Á chật vật thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan - Ảnh 4.

Giống như hàng triệu người lao động khác, Abigail Bautista giờ đây phải ngồi nhà làm việc để tránh dịch Covid-19. (Ảnh: Handout)

Quay trở lại Manila (Philippines), quản lý thương hiệu Bautista cho biết, nhân viên phòng nhân sự đã gọi điện cho cô 3 ngày/lần để kiểm tra tiến độ.

“Lượng công việc phải làm tại nhà giờ còn nhiều hơn so với trước khi cách ly”, cô nói.

Tuy nhiên, nhiều chủ lao động vẫn hy vọng có thể tiếp tục duy trì hình thức tại nhà này trong tương lai không xa.

Yvette Fernandez - Phó Giám đốc tại Summit Media, một mạng lưới truyền thông chuyên về đời sống tại Philippines - cho biết, công ty cô đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà 2 ngày/tuần kể từ năm ngoái, do đó mọi người đã quen và không gặp khó khăn gì.

“Mục đích chính của việc này là để giảm bớt gánh nặng đi lại trong thành phố mỗi ngày. Một số đồng nghiệp của tôi bị tắc đường từ 2-3 tiếng”, cô cho biết. “Do đó, hình thức làm việc tại nhà là hoàn toàn thích hợp”.

Trong khi đó, Rivera đã thấy được phần nào viễn cảnh tương lai.

“Chúng ta sẽ còn phải làm việc từ xa lâu dài, bởi tôi nghĩ dịch bệnh sẽ còn diễn biến nghiêm trọng hơn. Chúng ta nên làm quen dần với chuyện này”.

(Theo SCMP)

Người châu Á chật vật thích nghi với mô hình làm việc tại nhà: Khổ từ sếp đến nhân viên nhưng hứa hẹn nhiều lạc quan - Ảnh 5.

Ngọc Hà

Trở lên trên