MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân còn chưa mặn mà với thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không tiền mặt

10-12-2019 - 17:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán.

Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Thanh toán điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chi trả các hoạt động giao dịch mua bán mà không dùng tiền mặt thông qua các hình thức như chuyển khoản, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, ví điện tử, ứng dụng di động (mobile banking), … đã được chứng thực và được sự bảo đảm của các ngân hàng.

Phát biểu tại Diễn đàn Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề Chuyển động cùng công nghệ chip sáng ngày 10/12, Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin - Bộ y tế cho biết, hiện nay việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt mới chỉ chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tránh việc mang theo quá nhiều tiền trong người khi đến cơ sở y tế và về phía nhân viên y tế sẽ không phải lo đếm tiền, lo tiền giả…đó là những hiệu quả không đo đếm được, việc thanh toán điện tử sẽ bảo đảm an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và công khai, minh bạch hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi; cho phép người tiêu dùng giao dịch và thanh toán với thị trường toàn cầu.

Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa. 

Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.

Người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán. Chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; chưa có các cơ chế chi trả phí thanh toán điện tử. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trước những khó khăn nêu trên, việc đẩy mạnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo đúng quy định của Chính phủ là hợp lý, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa.

Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai kế hoạch đẩy nhanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với thanh toán viện phí và học phí theo quyết định của Thủ tướng tại đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian thanh toán để đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế để thực hiện nhiệm vụ này.

H.Kim

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên