MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông 67 tuổi mắc ung thư miệng sau nhiều năm duy trì một thói quen

22-06-2024 - 21:55 PM | Sống

Miệng ông Hải (67 tuổi) xuất hiện vết loét. Lúc đầu, ông nghĩ là do nhiệt miệng. Nhưng vết loét lâu lành, ông đi khám được bác sĩ chẩn đoán ung thư miệng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo chia sẻ của ông Hải, bên trong má trái của ông có 1 u cộm, cứng như hạt sạn gây đau, khó nhai thức ăn. Gần đây u lớn hơn, loét và đau, không lành, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiểm tra.

ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết niêm mạc má trái của bệnh nhân có vết loét kích thước khoảng 2,5 cm, sần sùi, màu trắng hồng, chưa xâm lấn ra da. Kết quả sinh thiết là ung thư tế bào gai giai đoạn ba, sừng hóa, xâm nhập niêm mạc má trái.

Qua điều tra bệnh sử, ông Hải cho biết có thói quen hút thuốc lá từ năm 20 tuổi, khoảng 10 điếu mỗi ngày, thỉnh thoảng mới uống rượu bia. Thời điểm căng thẳng, ông có thể hút 15-20 điếu mỗi ngày. Ông Hải đã hút thuốc được 40 năm.

Khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên ít hút thuốc lá hơn.

Bác sũ Trông khuyến cáo người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư miệng cao gấp 5-6 lần so với người không hút thuốc. Nguy cơ ung thư miệng gia tăng theo thời gian hút thuốc lá. Người vừa hút thuốc vừa uống rượu có khả năng mắc ung thư miệng cao hơn 30 lần so với người bình thường.

"Bệnh nhân Hải hút nhiều thuốc lá, là một trong những yếu tố nguy cơ gây mắc ung thư miệng", bác sĩ Trông nói.

Người đàn ông 67 tuổi mắc ung thư miệng sau nhiều năm duy trì một thói quen- Ảnh 2.

Bác sĩ Trông phẫu thuật cho bệnh nhân (ảnh BVCC).

Thuốc lá chứa hơn 60 hóa chất độc hại như formaldehyde, thạch tín, chất phóng xạ, hydro xyanua, benzen... Các chất này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, đột biến ADN (gene), gây ung thư. Tế bào ở miệng có ADN bị hỏng có thể dẫn đến ung thư miệng.

Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt ung thư niêm mạc má trái, nạo hạch cổ trên trái, sau đó xạ trị bổ sung để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn ung thư di căn. Sau phẫu thuật, người bệnh ăn cháo và thức ăn mềm trong 1-2 tuần, kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý sát khuẩn, giúp vết thương mau lành.

Phân biệt ung thư với loét miệng

Theo bác sĩ Trông, ung thư miệng là tình trạng khoang miệng hình thành tổn thương ác tính ở các vị trí như lưỡi, niêm mạc, lợi, sàn miệng, khẩu cái (vách ngăn giữa khoang mũi và khoang miệng), môi.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư miệng. Ngoài hút thuốc lá và uống rượu bia, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

- Nhiễm virus u nhú (HPV), virus epstein barr (EBV).

- Gia đình có người bị ung thư miệng...

- Vệ sinh răng miệng kém, mắc bệnh nướu răng.

- Hút thuốc là, tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong thời gian lâu dài.

Người mắc ung thư miệng rát dễ bị nhầm lẫn với loét miệng thông thường. Theo bác sĩ Trông, vết loét miệng thường lõm ở giữa, có màu trắng hoặc xám, viền vết loét màu đỏ hoặc hồng đỏ, gây đau nhưng lành tính, thường lành trong vòng hai tuần.

Vết loét do ung thư miệng thường đi kèm với u vùng cổ, chảy máu miệng, răng lung lay, sưng hoặc đau môi không lành, nuốt khó, thay đổi giọng nói, giảm cân không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ Trông khuyến cáo người bị u, mảng đỏ, trắng, vết loét ở miệng không lành sau 1-2 tuần, sưng hàm, đau miệng kéo dài, khó nuốt, nhai... nên đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, người dân nên đi khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bất thường nếu có. Bên cạnh đó, cần phải duy trì chế độ ăn lành mạnh, lối sống tăng cường vận động, hạn chế rượu bia và không hút thuốc lá…

Theo Minh Ngọc

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên