Người đàn ông đột tử khi đang chạy bộ buổi sáng: Bác sĩ chỉ ra yếu tố nguy cơ cần cảnh giác
Trong lúc chạy bộ buổi sáng, người đàn ông đột nhiên ngất xỉu và tử vong khi đang trên đường tới bệnh viện cấp cứu.
- 13-06-2024Ông trùm Tiktok đang khỏe mạnh bình thường bỗng được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối: Dấu hiệu đến từ 1 lần chạy bộ
- 02-06-2024Không phải chạy bộ, bài tập chỉ tốn 2 phút này vừa giúp tăng tuổi thọ, vừa hạ đường huyết hiệu quả: Dễ tập ngay tại nhà
- 15-05-2024Khảo sát 8.600 người trong 27 năm phát hiện: Không phải chạy bộ, đây mới là bộ môn giúp tăng gần 10 năm tuổi thọ
Mới đây, người đàn ông tên Tô Văn, sinh sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ ngất xỉu khi đang chạy bộ buổi sáng. Ngay lập tức, anh được người đi đường đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê, ngừng tuần hoàn hô hấp. Bệnh nhân được xác định đã tử vong trước khi đến viện.
Bác sĩ Lý Nghi Cung, Trưởng Khoa cấp cứu của Bệnh viện Từ Tế ở Gia Nghĩa, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết nguyên nhân khiến bệnh nhân đột tử được xác định là tập luyện quá sức giữa thời tiết nắng nóng dẫn tới sốc nhiệt.
Bác sĩ chỉ ra yếu tố nguy cơ
Bác sĩ Lý Nghi Cung giải thích khi thời tiết nóng bức, cơ thể sẽ toát nhiều mồ hôi hơn để điều hòa thân nhiệt. Điều này cũng có nghĩa là cơ thể bị mất nước nhiều hơn. Khi phải làm việc, tập luyện dưới tiết trời nắng nóng, nếu mọi người không bổ sung nước kịp thời, cơ chế làm mát của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, khiến thân nhiệt tăng cao và tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.
Theo bác sĩ Lý Nghi Cung, sốc nhiệt cần được cấp cứu nhanh chóng vì bệnh có thể gây rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh, suy gan, suy thận. Chuyên gia cho biết sốc nhiệt cũng có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 50% trường hợp mắc.
Các dấu hiệu điển hình của tình trạng sốc nhiệt bao gồm: Nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 40 độ C; lú lẫn; kích động; nói lắp; mê sảng; co giật; hôn mê; buồn nôn và nôn mửa; da ửng đỏ hoặc tái nhợt; thở nhanh và nông; nhịp tim nhanh; đau đầu; đau bụng; chuột rút.
Chuyên gia khuyến cáo, khi thấy nạn nhân có các dấu hiệu của sốc nhiệt, mọi người cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát. Sau đó, mọi người cần gọi cấp cứu và tiến hành hạ thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn thấm nước mát toàn thân cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, hãy cho uống nước mát để bù nước và chờ xe cấp cứu tới.
Phòng ngừa nguy cơ sốc nhiệt
Để phòng ngừa sốc nhiệt, chuyên gia đưa ra một số lưu ý như sau:
- Mọi người nên theo dõi dự báo thời tiết và hạn chế ra ngoài hoặc tập luyện vào những khung giờ nóng nhất trong ngày.
- Những người làm việc ngoài trời, dưới thời tiết nắng nóng cần hạn chế làm việc liên tục, thỉnh thoảng nên vào chỗ râm mát để tránh nắng và nghỉ ngơi.
- Tăng cường bổ sung nước hoặc các thực phẩm giàu nước như trái cây, nước ép rau củ,... cho cơ thể. Chuyên gia Lý cho biết, nếu phải làm việc hoặc tập luyện ngoài trời nắng nóng, mọi người nên bổ sung ít nhất 200-300ml nước sau mỗi 20 phút.
- Khi làm việc ngoài trời hoặc cần di chuyển ở bên ngoài trời nắng nóng, mọi người cần thoa kem chống nắng, đội mũ rộng vành, mặc quần áo sáng màu, rộng rãi.
Cuối cùng, bác sĩ Lý Nghi Cung khuyến cáo, trong lúc làm việc hoặc tập luyện, nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, chóng mặt, mọi người cần đến nơi râm mát để nghỉ ngơi ngay lập tức. Sau 10 phút nghỉ ngơi, nếu phát hiện cơ thể không chảy mồ hôi và các dấu hiệu trên không thuyên giảm, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Đời sống & pháp luật