MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông nôn ra hơn 2 lít máu trong 5 phút vì dạ dày bị “tàn phá” bởi thói quen ăn uống

10-01-2024 - 09:59 AM | Sống

Khi nôn ra nhiều máu, ông Trương cho rằng mình bị ung thư chứ không nghĩ đó là bệnh liên quan tới dạ dày.

Gần 1 giờ sáng, phòng cấp cứu của Bệnh viện Trung ương số 1 Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) hối hả tiếng bước chân của các y bác sĩ. Một bệnh nhân họ Trương (tên họ đã được thay đổi) ngoài 60 tuổi nằm trên băng ca cứu thương đầy máu vương vãi. Lý do là bệnh nhân này đã nôn ra rất nhiều máu trước khi tới được bệnh viện.

Cụ thể, ông đã nôn ra tổng cộng hơn 2 lít máu chỉ trong khoảng 5 phút - chiếm 1/3 lượng máu toàn cơ thể. Ông nôn ra máu tổng cộng 5 lần, mỗi lần khoảng 300 - 400ml.

Ngay lập tức, bác sĩ Hoàng Quân và các y tá trực phòng cấp cứu nâng đầu giường lên cao, đỡ gối dưới vai và nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên và thực hiện các thao tác cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân đã trở nên lú lẫn, toàn thân lạnh, ẩm ướt, máy theo dõi điện tâm đồ cho thấy huyết áp tụt xuống 70/44mmHg, nhịp tim 120 nhịp/phút, bệnh nhân bị sốc mất máu.

Sau khi được thở oxy, hút đờm, bác sĩ Hoàng Quân tiến hành mở đường tĩnh mạch, bơm cầm máu. Cùng lúc đó, bệnh nhân được lấy máu và thực hiện các xét nghiệm máu khẩn cấp. Bác sĩ Hoàng Quân cũng nhanh chóng liên hệ với các khoa khác trong bệnh viện để tiến hành hội chẩn đa khoa.

Huyết sắc tố của bệnh nhân ngày càng giảm, thiếu oxy toàn thân, đứng trước nguy cơ rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như gan, thận, tim, não. Trong khi đó, người này sống một mình, không còn người thân để ký vào các thủ tục giấy tờ gây mê, phẫu thuật nguy hiểm tính mạng.

Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ cao bệnh nhân có thể bị ngừng tim bất cứ lúc nào, nhóm hội chẩn quyết định lựa chọn điều trị tốt nhất là cầm máu nội soi khẩn cấp. May mắn là sau rất nhiều nỗ lực, đội ngũ y bác sĩ từ nhiều khoa khác nhau đã cứu sống được ông Trương.

Tưởng rằng ung thư, không ngờ nôn ra máu vì tổn thương ở dạ dày

Sau khi tỉnh lại trong phòng chăm sóc đặc biệt, ông Trương không cầm được nước mắt khi biết mình vượt qua cửa tử trong gang tấc. Khi kể lại chi tiết sự việc, ông cho biết mình đang ngủ thì bỗng cảm thấy trong người khó chịu, buồn nôn và sau đó bắt đầu nôn ra máu.

Bản thân ông Trương lúc đó cho rằng mình bị ung thư, khả năng cao là ung thư phổi bởi triệu chứng rất giống nhân vật trong các phim truyền hình ông từng xem. Tuy nhiên, khi được bác sĩ Hoàng Quân giải thích đó là do tổn thương ở dạ dày thì ông vô cùng bất ngờ. Hóa ra, ông Trương bị thương tổn Dieulafoy gây xuất huyết tiêu hóa ồ ạt.

Thương tổn Dieulafoy là một bệnh lý tương đối hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1884. Tuy nhiên vào năm 1898 mới được bác sĩ người Pháp Georges Dieulafoy mô tả một cách cụ thể và chính xác, từ đó Dieulafoy được lấy theo tên ông.

Dieulafoy đặc trưng bởi vỡ, chảy máu một động mạch bất thường dưới niêm mạc, là nguyên nhân hiếm gặp gây xuất huyết đường tiêu hóa. Tần suất gặp từ 0.3 đến 6.7%.

Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, bệnh nhân đột ngột nôn ra máu, tiêu phân đen, mạch nhanh, hạ huyết áp, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Hoàng Quân cho biết, phần lớn các trường hợp thương tổn Dieulafoy (75%) gặp ở vùng dạ dày gần, thường gặp 6 -10 cm tính từ vị trí tiếp giáp giữa thực quản và dạ dày, dọc theo bờ cong nhỏ. Các vị trí tổn thương thường gặp khác bao gồm tá tràng (15%), thực quản (8%). Trường hợp của ông Trương là tổn thương Dieulafoy tại dạ dày, nói một cách dễ hiểu là một dạng viêm loét dạ dày đặc biệt, gây xuất huyết cấp tính.

 

Người đàn ông nôn ra hơn 2 lít máu trong 5 phút vì dạ dày bị “tàn phá” bởi thói quen ăn uống- Ảnh 2.

Nguyên nhân nôn ra máu là do tổn thương Dieulafoy ở dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa ồ ạt (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Chảy máu từ tổn thương Dieulafoy thường liên quan đến các bệnh lý kèm theo như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, loét dạ dày, đái tháo đường, sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid và thuốc chống đông máu. Điều tra bệnh sử cho thấy ông Trương bị viêm loét dạ dày do nhiều thói quen xấu khi ăn uống từ lâu nhưng không điều trị. Phần vì ông sống một mình nên không quá quan tâm tới ăn uống thế nào cho khoa học, phần vì ông chủ quan không đi khám sức khỏe thường xuyên, ngay cả khi có dấu hiệu đau dạ dày.

Bác sĩ Hoàng Quân cũng nhấn mạnh, xuất huyết tiêu hóa nói chung là chảy máu tĩnh mạch, còn chảy máu do loét Dieulafoy là chảy máu từ động mạch ngang dưới niêm mạc. Chảy máu dạ dày có nhiều nguyên nhân, làm việc quá sức, ăn uống không điều độ, uống rượu nhiều, chấn thương, va chạm… đều dễ dẫn đến chảy máu dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.

Khi có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa, cần đến ngay bệnh viện gần nhất hoặc gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ được cấp cứu, cần nhớ kỹ các thao tác sơ cứu quan trọng sau đây:

- Đối với những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, nên ngừng ăn ngay lập tức để tránh tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.

- Không chườm nóng lên bụng để tránh tắc nghẽn đường tiêu hóa và làm nặng thêm tình trạng chảy máu.

- Trong khi chờ cấp cứu, trước tiên bạn có thể nằm đầu thấp, chân cao, kê gối dưới chân để máu từ chi dưới về tim dễ dàng và đảm bảo cung cấp máu cho não.

- Khi nôn ra máu, quay đầu người bệnh sang một bên để tránh máu bị hút vào khí quản gây ngạt, đồng thời chú ý giữ ấm.

Nguồn: QQ, Asia One, Family Doctor

Theo Ngọc Ái

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên