MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông suy đa tạng sau khi ăn món nhiều người yêu thích

03-08-2023 - 20:53 PM | Sống

Sau ăn tiết canh, anh T. đau bụng quanh rốn, sốt cao, phải nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận.

Ngày 3/8, bác sĩ Trương Ngọc Nam (Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết mới tiếp nhận bệnh nhân M.T. (45 tuổi) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Sau khi ăn tiết canh, anh T. đau bụng quanh rốn, buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần (khoảng 10 lần/ngày) kèm theo sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt.

Anh T. được gia đình đưa đến viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng. Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Nhờ được chẩn đoán, điều trị sớm, đúng và tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày điều trị tại bệnh viện.

Người đàn ông suy đa tạng sau khi ăn món nhiều người yêu thích - Ảnh 1.

Người có thói quen ăn tiết canh lợn dễ mắc liên cầu khuẩn. (Ảnh minh hoạ)

Theo TS.BS.Nguyễn Trọng Thế - Phó chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, liên cầu khuẩn lợn là loại bệnh truyền nhiễm của động vật lây cho người.

Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu cho lợn (lợn nhà, lợn rừng), nhưng cũng có thể lây truyền và gây bệnh cho người. Nguồn bệnh chủ yếu là lợn bị bệnh và lợn mang vi khuẩn không triệu chứng. Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.

Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ.

Những người dễ bị mắc bệnh là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn, người chế biến thịt lợn sống, người có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu kỹ, nem thịt lợn tái.

Thời gian ủ bệnh (từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh) thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày.

Để tránh mắc bệnh, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay, thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.

Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo qui định.

Theo Như Loan/VTC

VTC News

Trở lên trên