Người dân Thanh Đa sốt ruột với dự án "rùa"
Để bán đảo Thanh Đa đẹp và an toàn, cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc xử lý nhà thầu chậm trễ thi công bờ kè.
Ngày 24-11, men theo con hẻm 265 Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM - khu vực bán đảo Thanh Đa), hình ảnh phóng viên trông thấy là nhiều căn nhà bị tháo dỡ, gạch đá chất đống. Người dân tận dụng tạm thời nơi đây làm chỗ phơi đồ, chứa phế liệu…
Mong ngày tái thi công
Khi được hỏi, nhiều người cho hay sớm bàn giao mặt bằng cho công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa vì muốn góp phần làm đẹp bán đảo này. Tuy vậy, nhiều năm trôi qua mọi thứ cứ trở nên xấu xí hơn.
"Dự án làm được một đoạn rồi ngưng. Một năm lại trôi qua, Tết đã cận kề nhưng bờ kè Thanh Đa vẫn thế, chẳng lẽ phải đợi hoài hay sao" - một người dân cảm thán, đồng thời bày tỏ sự chờ mong sớm đến ngày thấy bờ kè dọc sông Sài Gòn này thay đổi diện mạo.
Tại hẻm 285 Bình Quới, khi hỏi thăm đường ra công trường bờ kè, phóng viên lại gặp những cái lắc đầu. "Tôi không thấy có ai đến thi công gì hết. Phía ngoài toàn cỏ là cỏ, có một vài đoạn ống của công trình bị vứt từ khi nào không biết và cũng đã bị cỏ, rác nuốt chửng rồi" - ông Thành, người sống tại đây, nói.
Gần đó, cuối hẻm 307 là đoạn kè đã được đổ bê tông, một số trụ bê tông, ống cống... nằm lẫn trong đám cỏ rậm rạp. Dẫn chúng tôi đi xem đoạn kè được xây kế đó, ông Huỳnh Văn Hùng (57 tuổi) cho hay nhiều hộ dân nhà cửa lụp xụp, cũ kỹ nhưng không dám sửa chữa vì công trình chống sạt lở chưa hoàn thành. Cũng như những hàng xóm, ông Hùng bày tỏ sự chờ đợi một bán đảo Thanh Đa không còn sạt lở, khang trang, sạch đẹp và đặt niềm tin vào việc giải quyết rốt ráo tới đây của cơ quan chức năng.
Xử lý đơn vị chậm chạp
Công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được chia làm 4 đoạn, triển khai từ nhiều năm trước và đoạn 1 đã được đưa vào sử dụng. Ba đoạn còn lại dài gần 9 km hiện tiến độ không như ý. Trong đó, đoạn 2 dài 2,9 km (từ thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong); đoạn 3 (từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba rạch Chùa) dài 4 km; đoạn 4 (từ rạch Chùa đến ngã 3 sông Sài Gòn - hạ lưu kênh Thanh Đa) dài 2,8 km.
Vừa qua Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3) khẩn trương xem xét trách nhiệm của nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan trong việc chậm trễ thi công.
Trước đó, sở này phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra đột xuất tiến độ công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 tại 2 gói thầu số 8 và 11. Trong khi gói thầu số 8 đã hoàn thành thì gói thầu số 11 tạm ngưng khi còn 350/852 m kè nữa. Điều đáng nói, mặt bằng được bàn giao từ tháng 6-2022 nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn không bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực và vật tư.
Theo Sở GTVT, việc tạm ngừng thi công làm chậm tiến độ dự án, gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng tránh sạt lở cấp bách trong khu vực. Đặc biệt, gây mất niềm tin của các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành, bàn giao mặt bằng.
Cuối tháng 12-2023, UBND TP HCM quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2024, trong đó giao vốn công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 là 170,5 tỉ đồng. Nếu công trình này chậm tiến độ sẽ không bảo đảm việc giải ngân vốn theo kế hoạch vốn được giao...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-1, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho hay đang tiến hành các bước theo hướng dẫn của Sở GTVT. Chủ đầu tư cũng đề nghị và sẽ kiên quyết chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu thi công đoạn 3, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà thầu khác. Đồng thời, tổng rà soát đối với công tác thi công đoạn 2, đoạn 4.
Ông Lương Minh Phúc khẳng định nhà thầu nào không bảo đảm năng lực thì xin chủ trương chấm dứt hợp đồng để chọn nhà thầu khác, đáp ứng tiến độ dự án, góp phần giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, qua trường hợp trên, đơn vị cũng muốn Sở GTVT xây dựng quy trình chuẩn để xử lý những nhà thầu yếu kém.
32 điểm sạt lở
UBND TP HCM vừa công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn TP HCM năm 2023. So với năm 2022, trong năm 2023, thành phố đã xử lý, khắc phục giảm được 4 vị trí sạt lở nhưng lại phát sinh 4 vị trí sạt lở mới nên tổng số không thay đổi. Các điểm sạt lở làm ảnh hưởng đến gần 1.200 hộ dân.
Trong số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm mới phát sinh là kênh Thanh Đa, đoạn cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50 m thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Tháng 6-2023, đoạn kè dài 120 m bị sụt lún, 15 hộ dân buộc phải di dời...
Rạch Xuyên Tâm đang thay áo mới
Liên quan đến tiến độ dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo. Ông Phan Văn Mãi giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố khẩn trương phối hợp UBND quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh pháp lý, trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân vốn đầu tư công được giao của dự án trong năm 2024, phấn đấu bảo đảm tỉ lệ giải ngân 100% số vốn được giao.
Về dự án này, trong nội dung báo cáo UBND TP HCM để trình kỳ họp HĐND tới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết diện tích thu hồi đất trong năm 2024 hơn 53,7 ha.
P.Anh - Q.Anh
Người lao động