MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành

10-04-2020 - 11:14 AM | Sống

Lệnh phong tỏa tại Vũ Hán đã được gỡ bỏ nhưng phải rất lâu nữa người dân Vũ Hán mới có thể có một cuộc sống đúng nghĩa bình thường.

Suốt 76 ngày qua tại Vũ Hán, bác sĩ Hu Weiling đã sống và làm việc trong một cơn ác mộng chứa đầy bệnh tật, cái chết và nỗi sợ hãi. 

Là bác sĩ của một bệnh viện công, cô phải điều trị cho hàng trăm bệnh nhân từ trẻ nhỏ đến người già, cùng đồng nghiệp chiến đấu chống lại dịch Covid-19. Đại dịch này đã bùng phát tại thành phố từ cuối năm ngoái, trước khi lan rộng ra phạm vi toàn thế giới.

Nhằm hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng, Vũ Hán đã phải đối mặt với một trong những lệnh phong tỏa nghiêm khắc nhất từng được ban hành. Mọi con đường, mọi tuyến tàu hỏa, mọi đường bay đều bị cắt đứt. Cảnh sát và các trạm kiểm soát ra vào có nhiệm vụ giữ cho tất cả mọi người ở trong nhà, trừ khi họ được phép ra ngoài.

Khi số người nhiễm và số người chết cứ tăng dần theo mỗi ngày, Hu lại nhớ về khoảnh khắc nhìn mưa rơi đập vào cửa sổ bệnh viện, tự hỏi rằng liệu đến bao giờ thì thành phố này cùng 11 triệu cư dân mới có thể bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kinh hoàng này.

Dường như điều đó đã trở thành sự thật vào thứ Tư tuần này, khi lệnh phong tỏa chính thức được gỡ bỏ tại Vũ Hán. Hu nói rằng đó là một chiến thắng khó nhọc của thành phố này, cũng như của cô và hơn 90 đồng nghiệp khác đã cùng thức trắng đêm trong những khu cách ly với tình trạng thiếu vật tư và đồ bảo hồ để chống lại virus.

"Tôi vui vì mình đã sống sót qua trận chiến lần này. Chúng tôi đã giành chiến thắng", cô nói. "Tôi nghĩ thành phố đã sẵn sàng để phục hồi... và tôi hy vọng cuộc sống sẽ trở lại như bình thường".

Tuy nhiên, nữ bác sĩ này hiểu rằng cuộc sống sẽ không thể quay ngoắt trở lại như nó vốn có, bởi mất mát và đau thương là quá nhiều. Bên cạnh những người đã chết, người sống cũng phải chịu đựng tổn thương từ đại dịch lần này, không chỉ về mặt thể chất. Việc kinh doanh bị ngưng trệ; một số cửa hàng có lẽ sẽ chẳng bao giờ mở cửa lại được. Hu cho biết, hai người chị gái của cô đang làm trong ngành khách sạn đã mất việc. Cô cũng chứng kiến không ít bệnh nhân mắc thêm bệnh tâm lý trong quá trình chiến đấu với Covid-19.

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành - Ảnh 1.

Cho đến giữa tháng 3, bệnh viện của Hu đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cuối cùng, họ cũng thành công trong việc đưa số ca nhiễm trở về con số 0 - một điều khiến cô và các đồng nghiệp vui sướng ăn mừng khi còn chưa kịp cởi bỏ bộ đồ bảo hộ. Theo dữ liệu chính thức, trên toàn thành phố giờ chỉ còn khoảng 400 bệnh nhân. Sau 14 ngày cách ly, Hu đã quay trở lại bệnh viện - nơi chỉ mở cửa để thăm khám cho các bệnh nhân không liên quan tới Covid-19.

Ở những nơi khác trong Vũ Hán, nhiều nhà máy sản xuất ô tô - xương sống của nền kinh tế thành phố - đã bắt đầu hoạt động trở lại. Trước khi có lệnh phong tỏa, đây là nơi cung cấp hơn 2 triệu ô tô mỗi năm cho thị trường. Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn của Vũ Hán, giúp thành phố được biết tới là “thủ phủ ô tô của Trung Quốc”.

Thế nhưng, giờ đây người ta chẳng còn nhớ về Vũ Hán vì ngành sản xuất ô tô, về món vịt tẩm gia vị đặc sản, hay vì những trường đại học danh giá bậc nhất đất nước. Nó chỉ được biết tới như tâm dịch nơi Covid-19 bùng phát lần đầu.

Nhiều người lo ngại rằng, Vũ Hán sẽ bị hủy hoải bởi đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng tới 1,4 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 82.000 người khác chỉ trong chưa đầy 3 tháng.

Bác sĩ Hu cho biết, cô không có kế hoạch đi du lịch ngay khi đại dịch đã qua đi.

"Tôi không có đủ ngày phép để làm điều đó. Quan trọng hơn, tôi nghĩ mình sẽ bị phân biệt đối xử tại các thành phố khác", cô nói. "Điều đó có thể xảy ra cho đến khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn trên toàn cầu".

Khi lệnh phong tỏa chấm dứt, người dân được phép rời thành phố và taxi lại xuất hiện trên những con đường. Tuy nhiên, việc họ đi lại trong thành phố vẫn được chính quyền kiểm soát bằng một loại mã QR trên điện thoại - chứng nhận họ có đủ sức khỏe hoặc đang làm việc tại siêu thị, các trạm xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Những người không chứng minh được cả hai sẽ không thể ra ngoài. Trung tâm thương mại mở cửa nhưng chỉ có lác đác khách. Một số tòa nhà công sở vẫn đóng cửa im lìm.

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành - Ảnh 2.

Tại chợ hải sản Hoa Nam, không khí vô cùng ảm đạm. Chợ hải sản này được cho là liên quan tới những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Chưa kể, một số nhà nghiên cứu còn nói rằng, virus có thể đã lây sang người từ một trong những loại động vật hoang dã được bày bán ở dây.

Nó đã bị các nhà chức trách đóng cửa vào ngày 1/1/2020, sau khi những ca viêm phổi lạ được phát hiện trong thành phố - những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Vào thứ Tư vừa qua, chợ hải sản này vẫn duy trì sự vắng vẻ và im lặng của mình. Các gian hàng được quây bằng rào chắn và phủ bằng các tấm nhựa. Tên của các cửa hàng được che lại bằng vải đen. Mặc dù đã đóng cửa trong nhiều tháng, mùi hải sản thối rữa vẫn còn phảng phất đâu đó.

Một tấm biểu ngữ được treo trên hàng rào của khu dân cư liền kề ghi: “Quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân”.

Theo người dân Vũ Hán, tên của chợ hải sản này gợi nhắc về một cơn ác mộng. Họ và những hộ kinh doanh tại đây rất lo lắng về tình hình sức khỏe và chuyện làm ăn của mình.

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành - Ảnh 3.

Người dân Vũ Hán đổ ra đường sau khi lệnh phong tỏa chính thức hết hiệu lực.

Liu Mao (36 tuổi) là chủ một cửa hàng bán điện thoại ở gần chợ Hoa Nam. Anh cho biết mình sẽ đóng cửa và chuyển tới nơi khác.

“Cái tên ‘Chợ Hải Sản Hoa Nam’ giống như một cơn ác mộng đối với nhiều người dân Vũ Hán”, anh nói. “Đây là nơi mà ai cũng sợ”.

Đối với những người khác tại Vũ Hán, lệnh gỡ bỏ phong tỏa là khoảnh khắc để họ nhìn lại những gì đã xảy ra.

Bác sĩ Zhang Xiaochun - Phó Giám đốc Khoa Phóng xạ tại Bệnh viện Trung Nam, ĐH Vũ Hán - là người đầu tiên gợi ý chính phủ chẩn đoán Covid-19 bằng cách chụp CT để cho thấy các tổn thương ở mô phổi, thay vì chỉ xác nhận bằng bộ kit xét nghiệm ít ỏi.

Khi ấy, cô nghĩ thay đổi này sẽ giúp “kìm hãm sự bùng phát của dịch Covid-19”.

2 tháng sau, Zhang nhớ lại những ngày tháng mất ăn mất ngủ vì sợ sẽ gây rắc rối cho bệnh viện. “Cảm giác đó giống như đang chờ được thi hành án”, cô nói về áp lực khi xưa.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi chính sách và cho phép tiến hành phương pháp chẩn đoán mới, giúp hơn 20.000 bệnh nhân khác được nhập viện.

Bác sĩ tại Vũ Hán không chỉ làm nhiệm vụ của mình. Khi số ca nhiễm giảm tại Vũ Hán nhưng tăng nhanh trên thế giới, Zhang bắt đầu quyên góp vật tư y tế cho nước ngoài, cũng như tổ chức các buổi tư vấn và thuyết giảng online về cách phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.

Những người khác tại thành phố cho biết, một tinh thần cộng đồng đã được hình thành trong những ngày dịch bệnh. Vào thời điểm mà không ai dám đến bệnh viện, Yu Xiuzhu - một chủ nhà hàng - vẫn nấu cơm và mang đến tận nơi cho các bác sĩ. Anh thuyết phục cha mẹ và vợ giúp mình cung cấp các bữa ăn với giá thấp nhất.

Thỉnh thoảng, họ phải làm việc từ 2h sáng cho đến tận 7h tối để chuẩn bị đồ ăn và mang đến cho một bệnh viện gần nhà.

“Tôi cảm thấy mình cần phải đi, bởi những bác sĩ bên trong đang đánh cược cả mạng sống của họ”, anh nói. “Nếu tôi không đi, họ sẽ chết đói và tất cả chúng ta đều tiêu đời”.

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành - Ảnh 4.

Hàng rào phong tỏa tại Vũ Hán được dỡ bỏ.

Zhi Hua - chủ của một chuỗi cung ứng hàng hóa trong thành phố - cũng tình nguyện tham gia đưa cơm tới các bệnh viện.

Anh nhớ có lần mình đang lái xe trên những con đường vắng vẻ tại Vũ Hán, tự hỏi trong lòng bao giờ đại dịch sẽ kết thúc thì chợt nhận ra hôm ấy là sinh nhật mình - ngày 24/2. Người đàn ông này bỗng chốc suy sụp và rơi nước mắt đằng sau vô lăng.

Giống như nhiều người khác, Zhi biết ơn vì lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ. Anh tin rằng những điều tồi tệ đã qua, nhưng vẫn chưa phải lúc để ăn mừng.

“Xe cộ và người qua lại trên đường đã nhiều hơn, nhưng có những nỗi đau ẩn sâu bên trong cần nhiều thời gian để chữa lành”, anh nói.

Doanh thu của công ty Zhi đã giảm tới 40%; theo anh, khoảng 25% có thể sẽ không bao giờ hồi phục được. Nhờ vị trí địa lý thuận tiện - nằm ở giữa, có hệ thống tàu hỏa và đường tiên tiến, lại được sông Dương Tử chảy ra, Vũ Hán từ lâu đã nổi tiếng là điểm trung chuyển vận tải của Trung Quốc. Tuy nhiên, Zhi nghĩ khách hàng sẽ sắp xếp lại chuỗi cung ứng và tránh xa thành phố.

Công ty này cũng làm việc cho một vài cửa hàng bán lẻ tại Vũ Hán - hầu hết vẫn đang đóng cửa hoặc chịu tổn thất nặng nề về kinh doanh.

“Chúng tôi thừa nhân lực vì đơn hàng giảm”, Zhi - người có hơn 60 lao động - cho biết. “Nhưng tôi không muốn phải cho bất kỳ ai nghỉ việc nữa. Ai cũng còn gia đình phía sau”.

Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn hơn đang quay trở lại dần với cuộc sống ở Vũ Hán, đem tới hy vọng cho các công ty vừa và nhỏ. 98% trong số 12.000 công nhân của nhà máy Honda tại Vũ Hán đang làm việc ngày đêm để bù đắp sản lượng đã mất. Tại công ty ô tô Đông Phong, 60% số nhân viên đã quay trở lại làm việc.

Theo một nhân viên họ Wu, tất cả các lao động đều được xét nghiệm Covid-19 và đo nhiệt độ 2 lần/ngày. Giày và quần áo cũng được khử trùng kỹ lưỡng.

Các công ty nhỏ hơn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực, nhưng cũng lường được phần nào khó khăn trước mắt.

Yu Kun - người cung cấp các cửa hàng sửa xe trên khắp đất nước - đã kinh doanh trở lại cách đây 2 tuần.

“Khách hàng ở Quảng Châu bảo tôi đừng đến đó để ký hợp đồng”, Yu cho biết. “Họ hỏi tôi đã xét nghiệm virus hay chưa”.

Các thành viên khác trong công ty anh cũng không muốn đi lại vì sợ lây nhiễm.

“Đồng nghiệp của tôi không còn trêu đùa nhau nữa. Không khí trong văn phòng trở nên im ắng đến lạ thường”, Yu nói. “Tôi đoán vài người vẫn cảm thấy mất mát từ đại dịch lần này”.

(Theo SCMP)

Người dân Vũ Hán dần bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng kéo dài 76 ngày mang tên Covid-19: Đằng sau chiến thắng là những vết sẹo phải rất lâu mới có thể lành - Ảnh 5.

Ngọc Hà

Trở lên trên