Người phụ nữ gửi 46 tỷ đồng trong ngân hàng, 1 năm sau tới rút thì không còn xu nào: Dính vào cái bẫy “chí mạng” nhiều người mắc
Tổng cộng có khoảng 1.750 tỷ đồng đã biến mất từ giây phút người dân gửi tiền vào ngân hàng.
- 23-03-2024Cụ bà 80 tuổi đến ngân hàng xin chuyển khoản 1,3 tỷ đồng, giao dịch viên từ chối phục vụ rồi lập tức báo cảnh sát: Vài ngày sau bỗng được khen thưởng
- 23-03-2024Đi ngân hàng rút 45 tỷ đồng tiết kiệm, người phụ nữ chết lặng khi nghe nhân viên nói: "Tôi đã tiêu hết giúp chị"
- 20-03-2024Ông cụ trả hết khoản vay 3,7 tỷ đồng, 21 năm sau vẫn bị ngân hàng "đòi nợ" liền đưa ra 1 tờ giấy: Đối phương phải cúi đầu xin lỗi
Năm 2014, một sự cố lớn xảy ra trong ngành ngân hàng ở tỉnh Chiết Giang và Giang Tô đã khiến Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc phải vào cuộc điều tra. Cụ thể, tiền gửi của 42 người ở các ngân hàng khác nhau đã “không cánh mà bay” một cách bí ẩn.
Tiền tiết kiệm cả đời của 42 người "không cánh mà bay"
Tất cả các nạn nhân đều đã gửi tiền tiết kiệm vào khoảng 1 năm trước. Vào ngày sự việc được phát giác, bà Dương không chịu nổi cú sốc đã khóc lớn trước tại chi nhánh Cổ Đãng của Ngân hàng Thống nhất Hàng Châu.
Bà nói với các phóng viên: "Tôi đã tiết kiệm được 13 triệu NDT (khoảng 46 tỷ đồng). Đây là tất cả những gì tôi có trong đời. Thế mà giờ tôi không còn một xu nào!".
Được biết, khi bà Dương đến ngân hàng rút tiền cả gốc và lãi sau 1 năm, bà được nhân viên ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm của bà không tồn tại trên hệ thống.
Vụ việc không dừng lại ở đó. Nhiều nạn nhân sau đó tiếp tục xuất hiện. Họ đều gặp vấn đề như bà Dương: gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn 1 năm, đến khi muốn rút thì mới biết ngay từ đầu, tiền của mình đã biến mất. Những khách hàng này đều gửi số tiền lớn, từ hàng trăm nghìn đến hàng chục triệu NDT.
Khi được hỏi tại sao lại gửi hết tiền tiết kiệm ở đây, bà Dương trả lời: “Họ nói là lãi suất ngân hàng cao nên tôi gửi ở đây. Tôi tưởng một năm sau sẽ rút được”.
Sau khi thẩm vấn, phóng viên được biết những nạn nhân đều gửi tiền ở đây vì lãi suất ngân hàng cao. Lãi suất được đưa ra là 12%-15%, quá cao so với lãi suất tiền gửi ngân hàng thông thường, đã gấp đôi mấy lần.
Tuy nhiên, phía ngân hàng hoàn toàn phủ nhận phủ nhận thông tin này. Họ cho biết chưa bao giờ hứa hẹn lãi suất cao như vậy với người gửi tiền.
Thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy
Chỉ trong vòng một tháng, những vụ án tương tự tiếp tục xảy ra ở một vài ngân hàng khác tại Chiết Giang và Giang Tô, với phương thức thủ đoạn giống nhau. Số tiền liên quan đến vụ án cuối cùng lên tới 500 triệu NDT (khoảng 1.750 tỷ đồng).
Hồ sơ của ngân hàng cho thấy khi những nạn nhân gửi tiền vào ngân hàng, tiền không hề đi vào hệ thống mà được chuyển đi trong cùng ngày, cùng thời điểm.
Cảnh sát Hàng Châu đã nhanh chóng tiến hành điều tra. Tiền bị đánh cắp trong tất cả các trường hợp đều được chuyển vào cùng tài khoản của một cá nhân họ Khưu, cho thấy chúng đều thuộc cùng một băng nhóm tội phạm.
Sau khi được ngân hàng xác minh, đơn chuyển khoản tiền của các nạn nhân đều tuân thủ các quy định hoạt động của ngân hàng, có đầy đủ chữ ký của các nạn nhân. Lúc này, họ đều bất ngờ và khẳng định mình chưa bao giờ ký vào những giấy tờ đó.
Cảnh sát đã kiểm tra hồ sơ và cả camera giám sát của tất cả các ngân hàng, cuối cùng thấy hành vi bất thường của một nhân viên của Ngân hàng Thống nhất Hàng Châu họ Hạ.
Thao tác giả khi nhận tiền gửi của khách hàng của cô rất tinh vi. Từ một trong các đoạn camera giám sát, người ta thấy Hạ tiếp một nạn nhân bình thường và làm các thao tác nghiệp vụ như quy định. Nhưng ở bước cuối cùng, cô yêu cầu khách nhập mật khẩu tài khoản một lần nữa.
Vì không phải ai cũng biết thao tác thủ tục ngân hàng, thường có tâm lý nhân viên bảo gì làm nấy nên mọi người đã thực hiện mà không nghi ngờ. Chỉ trong vài phút, Hạ đã chuyển hết số tiền mà người dân định gửi tiết kiệm sang tài khoản bên ngoài. Với kinh nghiệm lâu năm, Hạ cũng dễ dàng làm chữ ký giả trên giấy tờ.
Sau nhiều lần cảnh sát kiểm tra, người ta phát hiện ra rằng tất cả những nạn nhân của Chi nhánh Cổ Đãng của Ngân hàng Thống nhất Hàng Châu đều gửi tiền tại quầy của Hạ.
Tất cả 6 ngân hàng liên quan đến vụ án đều có một hoặc hai “gián điệp” như Hạ, từ nhân viên ngân hàng bình thường đến giám đốc điều hành cấp cao. Những người trong nội bộ này đã sử dụng danh tính là nhân viên ngân hàng để gửi tin nhắn cho khách hàng, giới thiệu rằng gần đây ngân hàng đang có lãi suất cao hấp dẫn. Với con số lãi suất 12 đến 15%/năm, rất nhiều người nhanh chóng bị mắc bẫy.
Để nạn nhân không nghi ngờ lý do vì sao lại có con số lãi suất gấp đôi bình thường, bên lừa đảo cho biết ngân hàng sẽ thu một khoản phí vào cuối mỗi năm hoặc mỗi quý. Họ sẽ không nhận được toàn bộ lãi như trong mơ nhưng vẫn đủ hấp dẫn để các con mồi mắc bẫy.
Thậm chí nhân viên ngân hàng còn yêu cầu các nạn nhân ký vào một thỏa thuận tự tạo, bao gồm các điều khoản như không rút tiền sớm, không kích hoạt thuế, không giao dịch ngân hàng trực tuyến,... Như vậy, họ sẽ không biết chuyện gì đang xảy ra trong tài khoản của mình.
Sau khi điều tra, cảnh sát đã thu được bằng chứng liên quan và sau đó đã bắt giữ 7 nghi phạm trong đường dây lừa đảo. Cầm đầu đường dây là Khưu, một nữ doanh nhân nổi tiếng ở địa phương. Lúc bấy giờ, công ty của Khưu làm ăn thua lỗ và cần khoản vốn khổng lồ.
Bà móc nối với các nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền với lời hứa cho họ hoa hồng là 10%. Khưu cũng khẳng định ban đầu chỉ định cướp tiền để lấy vốn làm ăn và hy vọng có thể trả được lại tiền như cũ sau 1 năm. Khưu và các đồng bọn gọi đây là một hình thức “gây quỹ”.
Thế nhưng dù huy động được 500 triệu NDT tiền vốn, Khưu vẫn không cứu được công ty của mình. Tiền không được trả lại đúng hạn, khi những nạn nhân đến rút tiền cuối kỳ hạn thì chuyện đã bị vạch trần.
Về số phận tiền tiết kiệm của hàng chục nạn nhân, phía Ngân hàng Thống nhất Hàng Châu đã tự nguyện ứng gần 50 triệu NDT cho người gửi tiền, dù họ không sai phạm. Bản thân người gửi tiền cuối cùng không chịu bất kỳ tổn thất nào.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trường hợp này là một vụ án hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xảy ra. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi gửi tiền tiết kiệm. Đằng sau lợi nhuận cao nhất định phải có rủi ro cao đi kèm nên mỗi người đều cần tìm hiểu thông tin kỹ trước khi đầu tư tiền của mình vào bất kỳ đâu.
Nhịp sống thị trường