Người phụ nữ mua gói bảo hiểm nhân thọ lãi hơn gửi ngân hàng, đến ngày đáo hạn thì nhân viên thông báo: “Muốn rút cả gốc lẫn lãi chị phải chờ thêm 70 năm nữa!”
Người phụ nữ Trung Quốc này nghe theo những lời quảng cáo "có cánh" như lợi nhuận cao, rủi ro thấp, lãi suất cao hơn lãi ngân hàng, đăng ký mua bảo hiểm khi chưa hề rõ các điều khoản trong hợp đồng.
- 02-11-2024Hai tình huống lừa đảo có thể gặp phải khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm vào tài khoản
- 01-11-2024Lo sợ bị lừa đảo, nhiều người nhận được tiền chuyển khoản nhầm trình báo công an
- 01-11-2024Tặng cho hoặc di chúc sổ tiết kiệm sao cho đúng?
Khoảng 10 năm trước, cô Hàn (người Trung Quốc) mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có trả lãi theo lời giới thiệu của người bạn hàng xóm họ Trương. Cô Trương là một nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm, ngày nào cũng cố gắng thuyết phục cô Hàn tham gia bảo hiểm, nói rằng gói bảo hiểm này không những bảo vệ tương lai mà còn giúp tiền sinh lời, so với gửi vào ngân hàng thì khoản lãi nhận được lớn hơn nhiều.
Cô Hàn vốn không để tâm, vì bản thân cô không có nhiều kiến thức về lĩnh vực bảo hiểm, lại có quá nhiều sản phẩm trên thị trường, không biết nên chọn cái nào. Tuy nhiên, cô Trương không ngừng thuyết phục, quảng cáo gói bảo hiểm này rất tốt, lợi nhuận cao mà rủi ro thấp, đặc biệt phù hợp với gia đình như cô Hàn, có chút tiền nhàn rỗi và muốn tích cóp lo cho tương lai của con cái.
Cô Trương còn lấy máy tính ra tính toán minh họa cho cô Hàn: Chỉ cần mỗi năm gửi 10.000 Nhân dân tệ (NDT) (khoảng 35 triệu VND), sau mười năm cô có thể rút ra hàng chục vạn NDT cả gốc lẫn lãi, lợi hơn cả gửi tiết kiệm ngân hàng! Nghe vậy, cô Hàn cũng thấy siêu lòng.
Do đó, cô Hàn quyết định ký hợp đồng bảo hiểm kỳ hạn 10 năm, đăng ký người thụ hưởng là con trai mình. Hợp đồng dày đặc chữ viết khiến cô choáng váng, nhưng cô không đọc kỹ, chỉ nghĩ rằng cô Trương là người quen nên sẽ không lừa mình. Thời gian sau đó, cô Hàn đều đặn đóng phí bảo hiểm hàng năm, hy vọng rằng 10 năm sau đến ngày đáo hạn sẽ rút được một khoản lớn lo cho các con.
10 năm sau, đến ngày đáo hạn, cô Hàn đến văn phòng của công ty bảo hiểm trên, yêu cầu rút cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhân viên thông báo rằng: Muốn rút toàn bộ tiền, cô phải chờ đến khi con trai cô 80 tuổi! Nghe vậy cô Hàn không khỏi bàng hoàng, hiện con trai cô mới 10 tuổi, mà 80 tuổi thì phải đợi đến 70 năm nữa.
Cô lập tức tìm đến cô Trương hỏi cho rõ, những cô này cũng ngơ ngác, nói rằng cô chỉ được công ty đào tạo nói những câu như “lợi nhuận cao”, “rủi ro thấp”, chứ không rõ từng điều khoản trong hợp đồng bao gồm những gì.
Cô Hàn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng đến pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, tuy nhiên công ty dựa vào điều khoản trong hợp đồng để từ chối yêu cầu của cô. Họ giải thích đây là một loại hình bảo hiểm nhân thọ đặc biệt. Hết 10 năm thời hạn hợp đồng, cô Hàn có thể rút lãi về, còn khoản tiền gốc sẽ chỉ được hoàn trả khi con trai cô - người thụ hưởng 80 tuổi.
Không bằng lòng với những lời giải thích trên, cô Hàn cho hay sẽ kiện đến cùng để thu hồi tiền của mình. Sự việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Câu chuyện cô Hàn cũng là bài học cho nhiều người tiêu dùng khác. Khi mua bảo hiểm hay các sản phẩm tài chính, cần phải tỉnh táo và thận trọng, tránh sa vào các “cạm bẫy ngọt ngào.” Không nên dễ dàng tin vào lời hứa, cũng đừng bị đánh lừa bởi lợi nhuận cao. Hãy đọc kỹ các điều khoản, đặc biệt là những nội dung liên quan đến lợi nhuận, rủi ro và thời hạn. Nếu cần, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia.
Đồng thời, cần nâng cao kiến thức tài chính của bản thân và tăng cường ý thức phòng ngừa rủi ro, lựa chọn những sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của mình, tránh chạy theo số đông để không gặp phải những tổn thất không cần thiết.
Theo Toutiao
Nhịp sống thị trường