Người trẻ nên vay tiền mua nhà hay ở nhà thuê?
Đây là câu hỏi của nhiều người trẻ khi chưa có thu nhập ổn định nhưng muốn sinh sống lâu dài ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
- 20-08-2024Cho vay mua nhà kém khả quan, lợi nhuận của ngân hàng tập trung bán lẻ bị suy giảm
- 19-08-2024Thu nhập 30 triệu đồng/tháng mới nên vay mua nhà?
- 10-08-2024Lãi vay mua nhà ngân hàng nào ưu đãi nhất tháng 8/2024?
Phân tích vấn đề trên, bà Trần Thị Thanh Mai, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cho rằng, mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, vì vậy các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Cụ thể, mua nhà vẫn được xem là con đường truyền thống để tạo dựng tài sản lâu dài. Việc sở hữu một căn nhà sẽ khiến các bạn trẻ không còn phải lo lắng về việc giá tiền thuê nhà tăng liên tục cũng như không phải chịu những rắc rối khi bị đòi nhất bất ngờ hoặc phải chuyển nhà thường xuyên. Hơn nữa, việc sở hữu nhà còn mang lại cảm giác an toàn, ổn định về mặt tâm lý khi được sở hữu lâu dài tài sản của chính mình.
Tuy nhiên, việc mua nhà lại đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu khá lớn và phần lớn người trẻ không có thu nhập cao và tài sản tích lũy sẽ buộc phải vay người thân hoặc vay ngân hàng. Ngoài ra, việc dành tiền để trả hàng tháng cũng là gánh nặng tài chính đáng kể.
"Ví dụ, nếu bạn muốn mua một căn hộ chung cư 70m2 tại Hà Nội với giá 3 tỷ đồng, sau khi trả trước 30% và vay ngân hàng 70% với lãi suất 8%/năm trong 20 năm, bạn sẽ phải trả cả gốc và lãi khoảng hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Đây là một khoản tiền khá lớn so với mức lương bình quân của những người trẻ", bà Mai nói.
Một lựa chọn khác cho người trẻ là thuê nhà, với phương án này, chỉ cần trả một khoản tiền thuê hàng tháng thay vì phải chịu gánh nặng về vốn ban đầu. Việc thuê nhà cũng mang lại sự linh hoạt, cho phép dễ dàng di chuyển và thay đổi nơi ở khi cần thiết.
"Tuy nhiên, khi thuê nhà, bạn sẽ không tích lũy được tài sản như khi mua nhà. Mỗi tháng, số tiền bạn trả đi chỉ là "tiền thuê" chứ không phải là khoản đầu tư sinh lời trong tương lai. Ví dụ, nếu bạn thuê một căn hộ 50m2 tại Hà Nội với giá 10 triệu đồng/tháng. Trong 5 năm, bạn đã trả tổng cộng 600 triệu đồng tiền thuê nhà mà không tích lũy được bất kỳ tài sản nào. Hơn nữa, bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ gia chủ tăng giá tiền thuê hoặc không gia hạn hợp đồng, buộc bạn phải tìm nhà mới", bà Mai lưu ý.
Mặc dù vậy, ưu điểm của hình thức này là do không phải tập trung nguồn lực vào việc trả gốc lẫn lãi từ việc vay mua nhà nên các bạn trẻ có thể tập trung nguồn lực tài chính vào việc đầu tư để tạo dựng và gia tăng tài sản. Nếu đầu tư một cách đúng đắn, các bạn trẻ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tài chính tốt hơn so với việc mua nhà.
"Giả sử thay vì trả lãi gốc hơn 20 triệu/tháng thì các bạn chỉ chi 5 - 7 triệu/tháng cho tiền thuê nhà và dành phần còn lại để đầu tư vào các kênh đầu tư khác. Giá trị tài sản sẽ còn tăng cao khi theo thời gian thu nhập của các bạn tăng lên và tỷ trọng đầu tư cũng được tăng lên tương ứng" , chuyên gia phân tích.
Đồng thời, trong quãng thời gian vừa tiết kiệm vừa tích lũy đầu tư, các bạn trẻ vẫn có thể tận dụng các phương án đòn bẩy để chọn lựa và mua loại hình bất động sản phù hợp ở một số thời điểm thích hợp. Quá trình này các bạn trẻ có thể tham vấn thêm đánh giá và khuyến nghị của các chuyên gia tài chính để có được lựa chọn tối ưu.
Nên mua nhà hay ở nhà thuê?
Theo bà Thanh Mai, không có câu trả lời chung nào cho tất cả mọi người vì mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với nhu cầu, sở thích, tâm lý của từng bạn trẻ, vì vậy các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên hoàn cảnh cá nhân, bao gồm tình hình tài chính hiện tại và dự kiến trong tương lai, để xem bạn có đủ khả năng tài chính để mua nhà hay chỉ có thể ở nhà thuê?
Ngoài ra cũng cần trả lời câu hỏi: Bạn có dự định sẽ ổn định công việc và cuộc sống ở một nơi trong nhiều năm tới hay vẫn có nhu cầu di chuyển thường xuyên?
Về mục tiêu tài chính, bạn muốn tích lũy tài sản để an toàn hơn về lâu dài hay chỉ cần một nơi ổn định để ở? Bạn có các mục tiêu tài chính cụ thể không (giá trị tài sản, các loại hình tài sản…)?
Dựa trên những cân nhắc này, các trẻ có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất. Ví dụ, nếu bạn có khả năng tài chính, mục tiêu tích lũy tài sản và kế hoạch ổn định thì mua nhà có thể là một lựa chọn tốt. Ngược lại, nếu bạn có khả năng tài chính còn hạn chế, kế hoạch nghề nghiệp chưa rõ ràng thì việc thuê nhà sẽ linh hoạt và phù hợp hơn.
"Dù lựa chọn mua hay thuê nhà, điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ lưỡng để tìm được phương án phù hợp nhất với hoàn cảnh cá nhân. Đừng vội đưa ra quyết định mà hãy lên kế hoạch cẩn thận, cân bằng giữa lợi ích và rủi ro để đạt được mục tiêu tài chính lâu dài", bà Trần Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
VTC News