Người Trung Quốc không đi du lịch, cả thế giới thất thu
Có thể mất vài tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để du lịch Trung Quốc quay trở về lúc trước đại dịch.
- 25-05-2023Ôm khát vọng trị thuỷ nghìn đời, đây là cách người Trung Quốc thuần hoá con sông Hoàng Hà không lúc nào nguôi ‘cơn thịnh nộ’
- 14-05-2023Thứ quả Việt Nam bán đầy đường nhưng có người Trung Quốc lại bỏ ra 1,8 tỷ đồng để mua... 1 quả
- 11-05-2023Dân số 'siêu già hóa', khoảng 100 triệu người Trung Quốc đối mặt với 'tương lai màu xám'
Khách du lịch Trung Quốc đang dần nối lại hoạt động du lịch quốc tế nhưng có thể mất nhiều năm nữa mới có thể quay trở lại mức trước đại dịch, theo WSJ.
Trước đại dịch, đây là những người chi tiêu cho du lịch nhiều nhất thế giới với 255 tỷ USD vào năm 2019, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khách du lịch Mỹ xếp vị trí thứ hai với 132 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc, các chuyến đi, bao gồm cả du lịch trong và ngoài nước, đạt tổng cộng 6,3 triệu lượt trong kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái nhưng chưa bằng 60% mức trước đại dịch. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài phục vụ khách du lịch Trung Quốc cho biết họ không có nhiều khách du lịch trong năm nay. Tại các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Nhật Bản, người dân cũng hạn chế đi du lịch quốc tế.
Các rào cản khiến người Trung Quốc phải ở nhà, bao gồm tình trạng thiếu chuyến bay và xin thị thực khó khăn, có thể sẽ được tháo gỡ theo thời gian, song sự phục hồi chậm chạp khiến nhiều công ty lữ hành thất vọng. Theo các chuyên gia kinh tế của Nomura, dự kiến sẽ mất từ 2-3 năm du lịch nước ngoài của Trung Quốc mới trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt ra một số hạn chế và sẽ cần nới lỏng các quy tắc để kích cầu. Cơ quan quản lý và các hãng hàng không cũng cần tăng cường thêm nhiều chuyến bay hơn sau khi các tuyến đường bị đóng băng thời kỳ đại dịch.
Cirium, một công ty phân tích hàng không cho biết số chuyến bay quốc tế của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 45% so với hồi năm 2019. Theo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, 24 chuyến bay khứ hồi hàng tuần giữa Mỹ-Trung đã được chính quyền 2 nước phê duyệt tính đến tháng này.
Sự phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc ngoài ra sẽ phụ thuộc vào việc liệu người dân có cảm thấy đủ tự tin để chi tiêu nhiều hơn cho xuất ngoại hay không. Khó khăn trong vấn đề xin thị thực cũng là một yếu tố quan trọng.
Chẳng hạn như Zhang Shiyu muốn đến thăm Thụy Điển vào tháng 5 song cuối cùng lại đi nghỉ ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc vì không thể xin thị thực. “Tôi muốn nhìn ra thế giới bên ngoài, nhưng yêu cầu về thị thực hiện nay có vẻ khắt khe hơn”, cô nói.
Sự gia tăng hơn nữa của du lịch Trung Quốc sẽ mang lại cho nhiều nền kinh tế sự thúc đẩy đáng kể vào thời điểm tăng trưởng toàn cầu đang chịu áp lực. Chi tiêu của du khách Trung Quốc—bao gồm cả sinh viên, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà đầu tư—là nguồn thu quan trọng đối với loạt nhà hàng, công viên giải trí và khách sạn.
Vivienne Song, giám đốc văn phòng Trung Quốc tại Guanxi Group, cho biết trước đại dịch, du khách Trung Quốc là nguồn thu lớn nhất cho du lịch Vương quốc Anh. Sự khan hiếm của họ đã được cảm nhận sâu sắc sau đại dịch.
Nếu chi tiêu cho du lịch của Trung Quốc trở lại mức năm 2019, nó sẽ bổ sung 6% vào tổng sản phẩm quốc nội Hong Kong và 3% cho Thái Lan, theo Goldman Sachs. Tuy nhiên, sự phục hồi chỉ mới bắt đầu và các chuyên gia cho biết có thể mất vài tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để cảm nhận được những tác động kinh tế lớn lao.
Thái Lan chỉ đón hơn nửa triệu khách du lịch Trung Quốc trong quý I/2023 so với 3,1 triệu cùng kỳ năm 2019. Kongkan Boonmasamer, quản lý một công ty du lịch và nhà nghỉ ở Chiang Mai, cho biết các doanh nghiệp miền bắc Thái Lan đang gặp khó khăn do thiếu khách Trung Quốc.
Trước đại dịch, Philippines đã chứng kiến lượng du khách Trung Quốc tăng đều đặn, đạt hơn 1,7 triệu lượt vào năm 2019, tăng 38% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, chỉ có 39.000 du khách Trung Quốc đến thăm quốc gia này với tốc độ khá chậm. Yoshiyuki Ohtsuka , người sáng lập trung tâm lặn El Dive trên đảo Palawan Philippines, cho biết: “Đã có sự bùng nổ về lượng khách du lịch tháng 2, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều người đến từ Trung Quốc”.
Du lịch phục hồi chậm sau đại dịch không phải điều bất thường. Dữ liệu của IMF cho thấy vào năm ngoái, chi tiêu du lịch nước ngoài của Mỹ chỉ phục hồi ở mức 87% so với hồi năm 2019 dù nước này đã sớm mở cửa trở lại.
Yu Liuwen đã đi du lịch nước ngoài 2 lần kể từ khi Trung Quốc bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19, đầu tiên là Thái Lan và sau đó là Nhật Bản. Sắp tới, cô lên kế hoạch đến Jordan hoặc Ai Cập.
“Tôi muốn nhìn ngắm thế giới”, cô nói.
Những công dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu cần nhiều thời gian hơn để lấy lại sự tự tin. Giá vé máy bay cao đồng nghĩa với việc du lịch quốc tế vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người. Arup Raha, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics cho biết lạm phát và lãi suất tăng khiến điều kiện kinh tế của nhiều người trở nên tồi tệ.
Nước ngoài là vậy, song du lịch nội địa Trung lại bùng nổ sau khi giới chức dỡ bỏ các lệnh hạn chế. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động, người dân nước này đã thực hiện 274 triệu chuyến đi nội địa, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2022 và gần 20% so với năm 2019. Theo ước tính của Học viện Du lịch Trung Quốc, quốc gia tỷ dân sẽ đạt 4,5 tỷ chuyến đi du lịch nội địa trong năm nay, tăng 73% so với 2022.
“Lợi nhuận của chúng tôi tăng nhờ số lượng đặt phòng lớn từ khách nội địa trong bối cảnh nhu cầu du lịch nước ngoài tại Trung Quốc chưa đạt được hết công suất”, Giám đốc Tài chính (CFO) Marriott, ông Leeny Oberg cho biết.
Theo: WSJ, Nikkei Asia
Nhịp sống thị trường