Nguồn năng lượng được Mỹ chi hàng triệu USD để khám phá cũng có ở khắp Việt Nam?
Mới đây, trang Vox (Mỹ) đưa tin, Mỹ đang chi hàng triệu USD để khám phá nguồn năng lượng địa nhiệt. Ở Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, ưu điểm của nguồn địa nhiệt ở Việt Nam là phân bố ở đều khắp lãnh thổ, cho phép sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương.
- 22-04-2022Bộ Tài chính đưa ra 5 giải pháp chính đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư trong thời gian tới
- 22-04-2022Đề xuất giãn hoãn khoảng 135.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất
- 22-04-2022Ưu đãi cho nhà đầu tư Khu Kinh tế Vân Phong
Mới đây, trang Vox (Mỹ) đưa tin, Mỹ đang chi hàng triệu USD để khám phá một nguồn năng lượng chưa được khai thác. Được biết, mặc dù năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất quan trọng, nhưng đây lại là loại năng lượng quá phổ biến và cũng có một số giới hạn nhất định.
Theo đó, một chương trình thí điểm được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) trình bày gần đây đã gây đặc biệt được chú ý. DOE cho hay, nếu chương trình hiệu quả, nhiều vấn đề có thể được giải quyết cùng một lúc, bằng cách sử dụng một nguồn năng lượng thường bị bỏ qua: Năng lượng địa nhiệt.
Một số nước châu Âu đã sử dụng trực tiếp năng lượng địa nhiệt trên quy mô lớn. Iceland, quốc gia nổi tiếng về hoạt động núi lửa, đã dùng trữ lượng địa nhiệt khổng lồ của mình để sưởi ấm 90% các ngôi nhà trên toàn quốc.
Theo thống kê của của Cơ quan Nghiên cứu Năng lượng mới (EER), hiện nay trên thế giới có khoảng 50 nước sử dụng địa nhiệt để sản xuất điện năng với tổng công suất hơn 13,2 GW, chiếm 0,3% lượng điện năng sản xuất toàn cầu với tốc độ tăng bình quân 3%/năm. Các quốc gia có công suất lắp đặt lớn nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Mexico và New Zealand.
Công suất điện địa nhiệt được lắp đặt phân loại theo khu vực.
Indonesia nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, chiếm gần 40% tiềm năng địa nhiệt thế giới. Tuy nhiên, nước này mới chỉ khai thác được 5-6% tiềm năng địa nhiệt. Trữ lượng địa nhiệt lớn nhất quốc gia này nằm ở phía Tây, nơi có đông dân cư nhất và có nhu cầu năng lượng cao nhất gồm, đảo Sumatra, đảo Java và đảo Bali.
Iceland - quốc gia xếp thứ 14 thế giới về tiềm năng địa nhiệt, nhưng lại là nước có sản lượng điện địa nhiệt bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trên hòn đảo này có 5 nhà máy địa nhiệt với tổng công suất khoảng 420 MW, bằng 26,5% tổng công suất nguồn điện cả nước. Hiện tại, Iceland mới chỉ sử dụng khoảng 20% tiềm năng địa nhiệt. Nếu khai thác hết trữ lượng địa nhiệt, hàng năm, Iceland sẽ cho ra sản lượng gần 20 tỉ W/giờ, tương đương với sản lượng của 3 lò phản ứng hạt nhân.
Vậy nguồn địa nhiệt ở Việt Nam ra sao?
Theo khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học, hiện Việt Nam có khoảng 264 nguồn, suối nước nóng phân bố tương đối đều trên cả nước: như suối nước nóng Kim Bôi-Hòa Bình, Thạch Bích-Quảng Ngãi, Bình Châu-Bà Rịa-Vũng Tàu,….với nhiệt độ trung bình từ 70-100oC ở độ sâu 3km.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ưu điểm của nguồn địa nhiệt ở Việt Nam là phân bố ở đều khắp lãnh thổ, cho phép sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Với các nguồn nước trên 200oC có thể dùng làm nhiên liệu trạm phát điện, nhiệt độ từ 80oC đến dưới 200oC có thể dùng trực tiếp để sấy nông thủy sản, sưởi ấm cho các căn hộ, nhà máy và nhiệt độ dưới 80 độ C dùng để dưỡng bệnh, phục vụ du lịch…
Các tổ chức năng lượng xanh và giới khoa học đã tìm hiểu về nguồn năng lượng địa nhiệt của Việt Nam. Từ năm 2007, Viện Khoa học địa chất và tài nguyên Đức đã điều tra, khảo sát tiềm năng điện địa nhiệt ở sáu điểm nước nóng ở Tu Bông (Khánh Hòa), Phú Sen (Phú Yên), Hội Vân (Bình Định), Nghĩa Thuận, Thạch Trụ (Quảng Ngãi) và Kon Du (Kon Tum) và nghiên cứu phương án sử dụng hiệu quả tùy mức độ chất lượng từng nguồn nước.
Từ các số liệu đo địa nhiệt trong các lỗ khoan thăm dò dầu khí, đã khoanh được các vùng có địa nhiệt cao là vùng Đông Nam đồng bằng sông Hồng (độ sâu 3.000m có nhiệt độ hơn 140oC) và ven biển Bình Thuận. Ngoài ra, một số khu vực khác như Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng có nguồn địa nhiệt ở mức cao… có điều kiện để phát điện công suất nhỏ.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Viện Địa chất (thuộc VAST) ở vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy tầng trung hòa nhiệt ổn định 25oC – 26oC phân bố ở độ sâu dưới 10-15m, là điều kiện địa chất thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP). Các tính toán mô phỏng công nghệ này với điều kiện thực tế ở Hà Nội cho phép tiết kiệm được 37% năng lượng điện tiêu thụ so với hệ thống điều hòa không khí (RAC) hiện nay. Ngoài lợi ích kinh tế, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, bơm nhiệt đất còn hạn chế tối đa lượng khí xả ra làm ô nhiễm môi trường.
Vào năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Cường đã chính thức ký quyết định cấp phép Giấy chứng nhận đầu tư số 30121000071 cho Công ty Cổ phần Phong Thủy Nhiệt điện SVA trực thuộc Tập đoàn Tài chính SVA triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy điện Địa nhiệt tại Đakrông với công suất 25 MW.
Đây là nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên của Việt Nam được cấp phép để SVA Financial Group đầu tư xây dựng trên diện tích đất dự kiến là 10ha. Tổng số vốn SVA Financial Group đầu tư cho dự án là gần 950 tỷ đồng.