MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ từ việc Mỹ dồn Trung Quốc vào thế đường cùng

27-08-2018 - 16:15 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang trong tuần trước với việc hai bên tiếp tục áp thuế lẫn nhau. Dù bên nào thắng cuộc, đợt đối đầu vẫn sẽ tạo ra mầm mống cho những rắc rối trong tương lai.

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện tại dường như có bản chất là cuộc chiến giành uy thế về an ninh quốc gia và thương mại.

Là quốc gia lớn nhất thế giới về kinh tế và quân sự, đồng thời kiểm soát đồng tiền dự trữ chính của quốc tế - USD, Mỹ muốn giữ vị thế siêu cường trong tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không thể làm gì ngoài tự vệ khi bị đặt trong tầm ngắm của quốc gia này.

Trò chơi “Ai là gà” – trong đó hai bên đều kiên quyết không lùi bước – sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Washington. Xuất khẩu hàng năm của Mỹ sang Trung Quốc chỉ là 150 tỷ USD, chưa bằng 1/3 giá trị 500 tỷ USD từ chiều ngược lại. Hai bên áp thuế cao lẫn nhau khiến Trung Quốc thiệt hại hơn.

Bắc Kinh có thể có hình thức nhượng bộ nào đó nhưng khả năng cao không phải lá bài chủ. Làm suy yếu kế hoạch “Made in China 2025” trong lĩnh vực công nghệ cao không phải lựa chọn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người muốn Bắc Kinh vượt qua Washington vào giữa thế kỷ này.

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996 cùng hệ quả sau đó là ví dụ minh họa. Trong cuộc tranh cử chức lãnh đạo Đài Loan đầu tiên, Trung Quốc đã phóng tên lửa gần hòn đảo nhằm dập tắt mọi ý định độc lập. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của nước này, sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Mỹ đáp trả bằng cách triển khai một đội tàu sân bay gần Đài Loan, buộc Trung Quốc phải xuống thang.

Kể từ đó, Trung Quốc nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự. Theo thông tin Trung Quốc công khai, riêng chi tiêu quân sự của nước này đã tăng gần 12 lần trong 2 thập kỷ qua. Hàng không mẫu hạm đầu tiên tự sản xuất đã hạ thủy trong năm 2017.

Cuộc chiến thương mại dự kiến mang lại kết quả tương tự. Trước đó, Trung Quốc cũng đã kỳ vọng vượt qua Mỹ về GDP trong những năm 2030.

Sau thất bại trong đối đầu liên quan đến nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE – suýt phá sản vì lệnh trừng phạt của Mỹ, cấm công ty này mua các thiết bị quan trọng, Trung Quốc đang chạy đua để sản xuất nội địa chất bán dẫn.

Bắc Kinh sẽ khôn ngoan hơn trong hướng tiếp cận công nghệ hiện đại như trí thông minh nhân tạo và phương tiện chạy điện, tránh những động thái có thể khiến chịu thêm cáo buộc trộm cắp.

Chiến lược của Trung Quốc cũng có vấn đề. Trung Quốc hưởng lợi từ tự do thương mại trong khi lại để khối doanh nghiệp quốc doanh phát triển cồng kềnh và bị cáo buộc chà đạp lên các quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Tìm cách buộc một quốc gia phải nhượng bộ bất kể chủ quyền hay phẩm cách, như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm, sẽ chỉ tạo ra sự thù địch suốt cả thế kỷ.

Cách tốt nhất để thúc đẩy Trung Quốc đi theo hướng có lợi hơn mà vẫn đảm bảo thể diện cho Bắc Kinh là thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi TPP và không có ý định trở lại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự báo tiếp tục kéo dài và vẫn chưa có dấu hiệu về một giải pháp. Ngay cả khi vấn đề này được giải quyết, quan hệ Washington – Bắc Kinh cũng có ít triển vọng tích cực hơn.

Theo Nikkei Asian Review

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên