Nhà băng đang để dành vốn
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong khi lãi suất huy động vẫn trên đà tăng. Điều này cho thấy, các ngân hàng thương mại có xu hướng “để dành” nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo và đảm bảo các chỉ tiêu về vốn theo quy định.
- 11-04-2019Ngành ngân hàng đặt mục tiêu có 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài
- 11-04-2019Mùa ĐHCĐ ngân hàng 2019: Ồ ạt xin tăng vốn trong 'cuộc chiến' ghế nóng
- 10-04-2019Ngân hàng Nhà nước phát động cuộc thi "Hiểu đúng về tiền" dành cho lứa tuổi thiếu niên
Mạnh tay hút tiền, dè dặt cho vay
Khảo sát trên thị trường tiền gửi cho thấy, ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất huy động của các ngân hàng đang phổ biến ở mức 6,9 - 7,9%/năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp huy động với lãi suất trên 8% với các sản phẩm tiết kiệm riêng biệt. Chẳng hạn, Ngân hàng VPBank huy động gói Phát lộc thịnh vượng lãi suất cao nhất tới 8,6%/năm. Tại Nam A Bank, lãi suất 15 tháng trở lên là 8,1 - 8,4%/năm. Lãi suất cao nhất của Bac A Bank, Eximbank và NCB cùng là 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài cao nhất của Ngân hàng TMCP Bản Việt là 8,6%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, Báo cáo của Bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: “Thanh khoản trên thị trường ngân hàng không quá dồi dào”.
Kể từ trung tuần tháng 3, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đột ngột bật tăng mạnh trở lại sau khi liên tục dịu nhiệt từ đầu năm. Nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng cũng khá cao, duy trì trên 50 nghìn tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong các năm gần đây. Nhìn rộng ra, trong hơn 6 tháng qua, mức lãi suất này liên tục dao động trên ngưỡng 3% và chưa có dấu hiệu sẽ suy giảm.
Báo cáo này dự đoán, quý II/2019, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn sẽ chuyển động trong khoảng 3 - 4%, tuy nhiên, diễn biến trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.
“Bên cạnh đó, lãi suất vay mượn tiền đồng kỳ hạn qua đêm liên ngân hàng giữ trên ngưỡng 3% cũng sẽ tạo khoảng cách an toàn đối với mức lãi suất tương tự áp dụng cho khoản vay ngoại tệ, hiện khoảng 2,45%. Một mức chênh lệch dương góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước điều tiết tỷ giá phù hợp. Từ đầu năm tới nay, rủi ro tỷ giá đã suy giảm rất nhiều khi tỷ giá tự do và tỷ giá giao dịch ngân hàng đều hạ nhiệt. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm nhằm tạo biên độ rộng hơn, tránh trường hợp tỷ giá giao dịch liên tục chạm trần như giai đoạn trước đây”, báo cáo cho biết.
Về tăng trưởng tín dụng, số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng quý I chỉ ở mức 2,28% so với cuối năm 2018, thấp hơn hẳn so với con số 3,5% và 4,3% lần lượt của cùng kỳ năm 2018 và năm 2017.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn con số định hướng 14% toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, có cách biệt lớn về kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Cụ thể, VIB Bank có kế hoạch tăng trưởng tín dụng lên đến 35% trong năm nay, con số này của MBBank là 20%, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến của Vietcombank là 15%. Trong khi đó, Techcombank đặt ra mức tăng trưởng 13%. Đáng chú ý, VietinBank chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 6% - 8%.
Lãi suất sẽ tăng từ từ
Diễn biến trên cho thấy, các ngân hàng đang tăng cường hút vốn từ thị trường song lại dè dặt cho vay. Bình luận về điều này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho là phù hợp với thực trạng năng lực hoạt động của các ngân hàng và định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
“Thông điệp điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy vẫn tiếp tục kiểm soát tín dụng chặt chẽ và đặt con số định hướng về tăng trưởng tín dụng khiêm tốn so với nhiều năm trước. Cách điều hành này là hợp lý trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên. Bên cạnh đó, giá xăng dầu và giá điện tăng gây rủi ro về lạm phát kỳ vọng. Việc kiềm chế tín dụng sẽ góp phần ổn định vĩ mô và ổn định hệ thống ngân hàng”, ông Bảo nói.
Từ phía các ngân hàng thương mại, quý I chưa phải là thời điểm tối ưu để chạy đua về lợi nhuận. Mặt khác, từ năm 2019, các ngân hàng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về an toàn vốn. Do đó, cách tốt nhất với các ngân hàng là tăng huy động và dè dặt cho vay.
Đồng quan điểm về điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét: “Tăng trưởng tín dụng quý I thấp là hợp lý để ngân hàng có thời gian và không gian tiếp tục tái cơ cấu hoạt động. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng vẫn còn cao. “Xả van” tín dụng vừa phải sẽ giúp các ngân hàng dành nhiều nguồn lực để tái cơ cấu hoạt động theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước”.
Dự báo về triển vọng lãi suất trong quý II, ông Hiếu cho rằng: “Giảm lãi suất là điều khó xảy ra nhưng không hẳn sẽ tăng đột biến, xu hướng tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra từ từ đến cuối năm”.
Báo đấu thầu