Nhà đất đắp chiếu nhiều năm, không sổ đỏ vẫn tăng giá gấp đôi
Nhiều nhà liền kề đang xây dựng dở dang, đắp chiếu nhiều năm và chưa có sổ đỏ nhưng vẫn được rao bán gấp đôi so với 2 - 3 năm trước.
- 25-08-2022"Nếu không cẩn thận Việt Nam có thể phải giải cứu thị trường bất động sản như Trung Quốc"
- 25-08-2022Ồ ạt lập dự án, giải ngân tốc độ rùa
- 25-08-2022Nhà ở xã hội vướng "vòng kim cô"
Chưa có sổ đỏ nhưng giá vẫn tăng
Đã 5 tháng trở lại đây, giao dịch trên thị trường bất động sản đang diễn biến chậm lại, có nhiều khu vực đã tắc thanh khoản. Tuy nhiên, giá bất động sản nhiều khu vực đang vẫn tăng lên, chưa có dấu hiệu giảm, khiến việc mua nhà của nhiều người trở nên khó khăn hơn.
Thấy thị trường chững, đang có trong tay hơn 10 tỷ đồng, anh Nguyễn Hùng, một nhà đầu tư tại Hà Nội tranh thủ đi xem liền kề tại khu Tây Hà Nội, với mong muốn sở hữu để cho thuê kiếm lời. Tuy nhiên, vì giá cả ở nhiều dự án tăng mạnh khiến cuộc tìm kiếm của anh thất bại.
“Tôi phát hoảng khi được biết giá liền kề, biệt thự thời điểm hiện tại. Nhiều căn từ cuối năm ngoái tới nay đã tăng đến 20 - 30%. Kế hoạch của tôi đang phải tạm gác lại vì giá biệt thự, liền kề liên tục tăng với tốc độ chóng mặt và biến độ tăng rất lớn”, anh Hùng nói.
Tương tự, anh Trần Thế, sống tại Hà Nội cho biết, hiện gia đình ở một căn chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy. Do nhu cầu tăng lên nên vợ chồng anh tìm một căn nhà liền kề trong khu đô thị tại Hà Nội.
Tuy nhiên, với số tiền khoảng 8 tỷ đồng, anh Thế vẫn không thể mua nổi một căn liền kề ở khu vực này. Anh cho biết, giá nhà liền kề ở đây đang dao động từ 130 - 200 triệu đồng/m2.
"Do nhu cầu ở của gia đình tăng lên, vợ chồng tôi đã đi tìm mua một căn nhà liền kề cho ổn định. Tuy nhiên, đi tìm hiểu và hỏi giá, gia đình tôi thấy bất ngờ vì tầm 8 tỷ đồng vẫn không thể mua được một căn liền kề đủ pháp lý, trong một khu đô thị quy mô", anh Thế chia sẻ.
Nhưng điều khiến anh Thế “ngã ngửa”, dù nhà liền kề trong dự án thiếu đồng bộ, pháp lý chưa đầy đủ, thậm chí đang đắp chiếu nhiều năng nhưng vẫn có mức giá cao ngất ngửa.
“Một căn liền kề khoảng 80m2 ở Hoài Đức, Hà Đông, Hoàng Mai,.. cũng đang có giá khoảng 9 - 10 tỷ đồng. Nhưng, những khu đô thị này hiện đang bỏ không nhiều năm, chưa có người về ở và cũng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Theo tôi tìm hiểu, giá này đã tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2019 - 2020”, anh Thế nói.
Thực tế, thời gian qua, nhu cầu tìm mua phân khúc này rất lớn dù mức tăng của phân khúc này rất cao. Tuy nhiên, lượng giao dịch qua tìm hiểu không lớn vì thực tế khi thị trường bị đẩy giá, nhiều nhà đầu tư cũng run tay không dám đu đỉnh.
Theo anh Vũ Tùng - chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, nhà liền kề và biệt thự thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư, theo đó, giá phân khúc bất động sản này cũng liên tục tăng cao.
“Nhiều căn liền kề trong nội đô khoảng năm 2019 có mức giá 7 - 8 tỷ đồng thì giờ giá rao bán cũng gấp 2 lần, thậm chí là cao hơn”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, không chỉ khu vực nội đô, nhà liền kề ở các huyện như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh,... cũng tăng giá nhanh. “Thậm chí, những khu vực này giá còn tăng nhanh hơn trung tâm, cá biệt có những nơi tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm dịch bệnh diễn ra”, anh Tùng cho biết.
Mức giá tăng nhanh chóng
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý II năm nay, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.
Savills cho biết, nửa đầu năm nay chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Trong khi đó, lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến quý II. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý và 25% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau là Hà Đông với 15%. Theo nhận định từ chuyên gia Savills, người mua đang có xu hướng dịch chuyển sang các dự án tại tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, vì nguồn cầu chưa được đáp ứng tại Hà Nội.
Trong quý II, dự án Vinhomes The Empire ở Hưng Yên đã ghi nhận khoảng 6.000 giao dịch, tương đương với lượng giao dịch của Hà Nội từ năm 2020 tới nay và gấp 6 lần lượng giao dịch của Hà Nội trong nửa đầu năm nay.
Trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 2.100 căn đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, các dự án này phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất.
Báo cáo của trang thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự, liền kề giảm 11% theo năm và 14% theo năm đối với shophouse.
Nhịp sống kinh tế