Nhà đầu tư bất động sản ‘nhảy’ vào thị trường lúc này ‘cửa ăn thì ít, cửa chết thì nhiều'
Theo nhận định của chuyên gia, thị trường bất động sản 2022 vẫn khó định đoán. Với mức độ tăng trưởng trong năm 2021 thì bây giờ những người nào ‘nhảy’ vào thị trường thì ‘cửa ăn thì ít, cửa chết thì nhiều’...
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Vì vậy, trong quý 1 và 2/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.
“Với kịch bản nguồn cung sản phẩm còn tiếp tục khan hiếm, lực cầu tốt, sự nóng lên của thị trường bất động sản nói chung, của phân khúc đất nền trong nửa đầu năm 2022 là có cơ sở. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro”, ông Đính nói.
Theo chuyên gia, với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm năm 2022 nên chọn đầu tư ở những khu vực có đơn giá thấp, vùng ‘sóng’ chưa quá cao, tăng trưởng dưới 30% một năm.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Bất động sản Hải Phát cho hay, giá đất vẫn tăng trưởng, cuối năm 2021 tăng trưởng chủ yếu ở phân khúc “nhà giàu” quanh Hà Nội. Sang năm 2022, dịch bệnh vẫn chưa hết, giới nhà giàu vẫn không đi được, vẫn phải tiêu tiền xung quanh Hà Nội, TP.HCM và sẽ có xu hướng chọn chủ đầu tư lớn để đảm bảo tài sản.
“Với mức độ tăng trưởng trong năm 2021 thì bây giờ những người nào ‘nhảy’ vào thị trường thì ‘cửa ăn thì ít, cửa chết thì nhiều’... họ sẽ phải tìm sang sự lựa chọn thay thế. Tất cả những đại đô thị đã tăng trưởng tốt rồi thì những dòng sản phẩm thứ cấp, tiểu đô thị có thể tăng trưởng, nhất là những dự án nằm ở khu vực lân cận Hà Nội, Sài Gòn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản 2022 cũng khó định đoán”, ông Duy cho hay.
Nói về đất ở các tỉnh, ông Duy cho biết, giá tăng nhưng thanh khoản không tốt. Tại thị trường phía Bắc, đơn cử tại Quảng Ninh thanh khoản tốt ở khu vực bám biển, còn khu vực không bám biển thanh khoản bình thường, không sốt nóng.
“Tại Bắc Giang, chỉ sốt ở sóng đầu của đất đấu giá, sau đó về thanh khoản không mạnh, rao bán nhiều nhưng không bán được mấy, chỉ ‘xôm’ hôm đầu. Không có thanh khoản giá càng bị ‘đẩy’ tăng để bù tài chính. Với dòng đất đấu giá người dân tham gia rất nhiều nhưng người dân ở tỉnh đa phần nhu cầu sử dụng và nhu cầu mua tích trữ cũng không cao nên hay đi lướt cọc, lướt sóng để kiếm lời. Vì thế, chợ chỉ xôm’ ở nhu cầu ‘lướt cọc’, còn nhu cầu mua để nắm giữ tài sản vẫn thuộc nhóm khách hàng đầu tư ở Hà Nội và các tỉnh lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng...”, ông Duy phân tích.
Năm 2022 có cơ hội “lướt cọc” không?
Ông Duy cho rằng, ở Hà Nội cửa “lướt cọc” vẫn còn nhưng đa phần sẽ đánh vào những tiểu đô thị hoặc dòng sản phẩm loanh quanh dưới 1 tỷ đồng tại khu vực huyện của các tỉnh sẽ là những phân khúc “lướt cọc” đông nhất.
Tuy nhiên, ông Duy lưu ý, với nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên chọn đầu tư ở những khu vực có đơn giá thấp, vùng ‘sóng’ chưa quá cao, tăng trưởng dưới 30% một năm thì hãy “phi” vào.
“Còn nếu muốn đầu tư đất ở một số huyện tại các tỉnh thì cần kiểm tra kỹ lịch sử tăng trưởng của thị trường. Nếu thị trường nào tăng trưởng quanh mức 30%/năm trong năm vừa rồi thì có thể đầu tư còn nếu tăng trưởng nóng hơn, khoảng 50-60%/năm thì cần cân nhắc. Bởi đất ở tỉnh có đặc thù quỹ đất rộng, nhu cầu yếu nên nếu mua đất ở tỉnh cần nghiên cứu kỹ”, ông Duy nói.
Với kinh nghiệm đầu tư của mình, ông Duy cho rằng, khi đầu tư cần linh hoạt, khi thị trường có nhiều dấu hiệu bong bóng thì có hai phân khúc để đầu tư an toàn.
“Một là phân khúc đất có giá cao hẳn và hai là phân khúc có giá đất thấp hẳn, phân khúc có giá lơ lửng thì không nên đầu tư. Nếu vẫn muốn đầu tư ở phân khúc đất có giá lơ lửng cần chọn khu vực thị trường và chú ý đến tính thanh khoản. Còn khi đầu tư vào phân khúc giá thấp hẳn thì rủi ro thấp, còn phân khúc cao hẳn thì luôn giữ giá, không đáng lo ngại”, ông Duy nói.
Infonet