Nhà đầu tư 'quay xe' với dự án PPP vì lợi nhuận thấp và rủi ro cao
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, bất cập tại các dự án PPP là do lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư không mặn mà. Chưa kể, phần vốn Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng chưa thực sự hấp dẫn.
- 07-11-2023Nợ của Novaland giảm gần 6.000 tỷ đồng, mỗi ngày chi trả hơn 12 tỷ đồng tiền lãi
- 07-11-2023Lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề: Chủ đầu tư để bùn đất trôi tự do ra vịnh
- 07-11-2023Hé lộ thông tin mới nhất về dự án 1.400 tỷ đồng của Ecopark tại TP Vinh
Quốc hội vừa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Liên quan đến ngành giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua, các dự án lớn với phương thức đối tác công tư (PPP) của ngành gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập.
Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế thì có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng, chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10-15 năm. Trong khi khả năng thu hồi vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 năm tới 30 năm đối với từng dự án PPP.
Đại biểu cho rằng, cần phải có cơ chế và giải pháp đối với từng dự án trọng điểm quốc gia và vùng. Do đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT có giải pháp khả thi như thế nào để tháo gỡ thực trạng những vướng mắc này nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP.
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, từ khi Luật PPP được ban hành việc thu hút các dự án PPP chưa được nhiều và chưa hiệu quả. Gần đây, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đã kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.
Về nguyên nhân các dự án PPP kém hấp dẫn, Bộ trưởng nêu rõ, về mặt khách quan, do tình hình kinh tế trong nước cũng như là quốc tế rất khó khăn nên nhiều doanh nghiệp sức khỏe khó khăn.
Tiếp theo, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận thấp, trong khi có rất nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn, cân đối. Đặc biệt, có nhiều vấn đề rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hiệu quả các dự án.
"Hiện nay các nhà đầu tư thu hồi vốn trên cơ sở lưu lượng xe. Cả nước có khoảng 5,2 triệu xe ôtô, nhưng phân bố không đồng đều, chủ yếu là Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, đây là một yếu tố bất lợi đối với nhà đầu tư", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa hấp dẫn. Quy định tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%, nhiều dự án lại có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều. Ngoài ra, còn một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút cần phải điều chỉnh.
Bộ trưởng phân tích thêm, các dự án PPP cũng không có sự tham gia nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, khi tham gia dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu phải có bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ, đảm bảo việc chuyển đổi ngoại tệ khi thu hồi vốn và giải phóng mặt bằng.
"Thông thường, các dự án PPP của các nước khác bao giờ cũng tách ra phần giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia làm chỉ tập trung vào việc triển khai dự án", Bộ trưởng cho hay.
Từ những bất cập nêu trên, người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh, Bộ đã nhận diện và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KH&ĐT cũng như các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách điều chỉnh để thu hút các nhà đầu tư.
Đồng thời, trong kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội để có những tháo gỡ, nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư ở mức cao hơn nhằm thu hút đầu tư.
Nhà đầu tư