MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư Trung Quốc săn lùng công ty Việt

Các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào công ty Việt Nam với nhiều mục tiêu.

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam thuộc các ngành như chế biến nông sản xuất khẩu , thép xây dựng , điện tử, điều… cho biết gần đây họ liên tiếp nhận được lời đề nghị hợp tác , góp vốn đầu tư hoặc mua cổ phần từ các doanh nhân Trung Quốc (TQ).

Công ty Việt được săn đón

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Việt, kể cách đây không lâu, công ty của ông nhận được lời mời chào muốn mua cổ phần từ một số nhà đầu tư đến từ TQ. Tuy nhiên, ông Thái cho biết điều này không nằm trong kế hoạch phát triển kinh doanh của DN nên không đồng ý.

Theo nhận định của ông Thái, các nhà đầu tư TQ mà cụ thể là các công ty ngành thép TQ đang muốn mua cổ phần, đầu tư vào DN Việt để tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-TQ.

Lý do là mặt hàng thép TQ xuất sang Mỹ bị đánh thuế rất cao. Vì vậy các nhà đầu tư TQ tìm đến hợp tác, đầu tư vào các công ty sản xuất sản phẩm thép xây dựng của Việt Nam - mặt hàng không bị Mỹ đánh thuế cao. Hiểu nôm na là các công ty thép TQ muốn mượn các công ty Việt làm bình phong để né thuế cao từ Mỹ.

Các đơn vị ngành chế biến nông sản xuất khẩu cũng rơi vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư TQ. Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hạt điều Gia Bảo, kể mới đây có tới ba doanh nhân TQ ngỏ ý muốn đàm phán với DN của ông về việc định giá và góp cổ phần. Tuy nhiên, do họ đưa ra điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành công ty sau khi rót vốn nên ông Sơn từ chối.

“Theo tôi được biết, hiện nay các công ty TQ đang rải người đi lùng mua DN Việt, đặc biệt là các đơn vị thua lỗ hoặc thiếu vốn” - ông Thái nói thêm.

Theo ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1, các DN nông sản được nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ TQ nhắm mua cổ phần chủ yếu là những đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến hạt điều, gạo, hồ tiêu, thủy hải sản… “Xin dẫn chứng: Mấy năm nay, các DN TQ đã xây dựng các nhà máy chế biến hạt điều tại các khu chế xuất dọc biên giới Việt Nam. Nay với việc mua lại các công ty Việt Nam, các DN TQ sẽ nắm được các đầu mối thu mua nguyên liệu, nắm được công nghệ chế biến hạt điều, chủ động xuất khẩu. Tuy nhiên, số DN chịu “bán mình” cho DN TQ không nhiều” - ông Huyên chia sẻ.

Nhà đầu tư Trung Quốc săn lùng công ty Việt - Ảnh 1.

Gần đây, nhiều doanh nhân Trung Quốc tìm mua các công ty thép của Việt Nam. Ảnh: TL

Tính toán kỹ trước khi hợp tác

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện tượng các công ty TQ thích hợp tác, mua lại DN Việt Nam gia tăng trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ. Cụ thể, Mỹ đánh thuế cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu khiến DN TQ bị thiệt hại. Chính vì vậy DN TQ tìm cách đầu tư tại các nước lân cận như Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Ngoài ra, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại mà mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Vì thế, các nhà đầu tư TQ tranh thủ cơ hội này góp vốn hoặc mua lại công ty Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu, hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực” - ông Hiếu phân tích.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng TQ là thị trường lớn, đối tác lớn của DN Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta phụ thuộc thị trường này. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng không có sự kiểm soát và phía các DN Việt không có tính toán kỹ lưỡng thì chuyện DN TQ nhảy vào đầu tư chiếm lĩnh thị phần có thể xảy ra.

“Tôi cho rằng cần có kế hoạch để ứng phó với vấn đề này. Theo đó, chấp nhận hợp tác với các công ty TQ trong chừng mực nào. Đồng thời cần tính toán kỹ những cơ hội cũng như bất lợi trước khi hợp tác đầu tư, kinh doanh với DN TQ” - ông Hiếu góp ý.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, cũng lo ngại khi các nhà đầu tư TQ dồn dập nhảy vào “mua” các DN Việt Nam. Vì theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến DN Việt Nam bị thị trường Mỹ soi rất kỹ, nhất là về vấn đề thuế. Do đó, việc các DN Việt Nam có cổ phần của nhà đầu tư TQ cũng phải suy xét lại.

“DN Việt Nam không nên kỳ vọng quá nhiều vào những lời chào mời hấp dẫn từ phía nhà đầu tư TQ. Việc của DN Việt Nam lúc này là chủ động trong sản xuất, kinh doanh về nguồn nguyên liệu, công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường… để đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia và cạnh tranh trên sân nhà” - ông Thái nói.

Nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng vốn đầu tư TQ vào Việt Nam gần 2,5 tỉ USD. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cấp mới và tăng thêm là 1,6 tỉ USD, còn lại hơn 800 triệu USD là vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán cổ phần DN.

Đáng chú ý, có đến hơn 1.029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình, nhà đầu tư TQ bỏ ra hơn 770.000 USD để góp vốn vào DN Việt Nam, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu USD cho hơn 800 dự án trong năm 2017.

Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search cũng vừa công bố báo cáo cho biết: Thị trường lao động việc làm trong quý IV-2018 có sự tác động của hiệp định thương mại tự do, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam. Đáng chú ý, các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ TQ sang Việt Nam.

"Trước làn sóng dịch chuyển từ TQ sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao, thuộc các vị trí như quản lý nhà máy, giám sát, cấp quản lý và trợ lý cho khối văn phòng" - đại diện Navigos Search nhận định.

Ngoài ra, Navigos Search cũng đánh giá động lực thu hút đầu tư trực tiếp tới Việt Nam chủ yếu đến từ hai xu hướng, bao gồm dịch chuyển sản xuất từ TQ sang Việt Nam và đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên