MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhà đinh” đặc biệt bám trụ 3 năm giữa bệnh viện, dùng camera giám sát phát hiện hành động kinh người: Bệnh viện phải nhờ tới cảnh sát

22-02-2024 - 16:10 PM | Sống

“Nhà đinh” đặc biệt bám trụ 3 năm giữa bệnh viện, dùng camera giám sát phát hiện hành động kinh người: Bệnh viện phải nhờ tới cảnh sát

Trường hợp “nhà đinh” đặc biệt này đã thu hút đông đảo dư luận lúc bấy giờ.

Năm 2015, vụ việc kiện cáo một "nhà đinh" xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tập đoàn Jingmei (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã khiến bao người phải bàn luận không ngừng. Trường hợp này đặc biệt ở chỗ, "nhà đinh" mà mọi người nhắc đếnchính là một người đàn ông. Anh ta chiếm giường bệnh suốt 3 năm, bỏ ngoài tai mọi lời yêu cầu dù bệnh viện nhiều lần lên tiếng. Cuối cùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phải vào cuộc.

01.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tập đoàn Jingmei ở Bắc Kinh, Trần Chí Cường đã trở thành một cái tên nổi tiếng. Kể từ khi nhập viện vì chấn thương đầu gối năm 2011, anh đã trở thành "nhà đinh" thực sự giữa bệnh viện.

Lúc đầu, không khí trong bệnh viện khá hài hòa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trần Chí Cường thường xuyên bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe của mình. Suy cho cùng, bệnh nhân nào cũng hy vọng sẽ bình phục càng sớm càng tốt. Các bác sĩ, y tá đã kiên nhẫn an ủi anh, liên tục thông tin về quá trình khám chữa cũng như kết quả của các chỉ số cơ thể khác nhau.

Nhưng thời gian trôi qua, đặc biệt là sau khi tất cả các kết quả xét nghiệm cho thấy rõ ràng cơ thể của Trần Chí Cường đã bình phục hoàn toàn, hành vi của anh ta bắt đầu khiến các nhân viên y tế bối rối.

“Nhà đinh” đặc biệt bám trụ 3 năm giữa bệnh viện, dùng camera giám sát phát hiện hành động kinh người: Bệnh viện phải nhờ tới cảnh sát- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Mỗi lần nhìn thấy bác sĩ hoặc y tá bước vào phòng bệnh, anh ta đều cố tình tỏ ra khó khăn khi đi lại. Nhưng tình huống được camera giám sát của bệnh viện ghi lại hoàn toàn không khớp với những gì Trần Chí Cường mô tả. Bất cứ khi nào không có ai khác trong phòng bệnh, anh ta đi lại thoải mái mà không gặp vấn đề gì.

Các bác sĩ và y tá không thể hiểu được nguyên do đằng sau. Mỗi lần gặng hỏi, Trần Chí Cường luôn nhấn mạnh rằng: "Tôi đau đến mức không thể đi lại nổi. Đó là lỗi của bệnh viện mấy người!"

Sau khi thử nhiều cách thuyết phục, giao tiếp và thậm chí cả các biện pháp pháp lý, Trần Chí Cường vẫn chiếm dụng giường bệnh đó.

Để đáp trả yêu cầu phi lý của Trần Chí Cường, bệnh viện thậm chí còn cung cấp các bằng chứng như báo cáo y tế và video giám sát để chứng minh rằng: Người đàn ông này đã bình phục hoàn toàn, quá trình chữa trị hoàn toàn không xuất hiện bất cứ vấn đề gì và không có lý do để anh ta tiếp tục chiếm dụng giường của bệnh viện.

Nhưng Trần Chí Cường luôn kiên quyết né tránh, từ chối đưa ra câu trả lời rõ ràng. Bệnh viện đã quyết định phải tìm đến lực lượng chức năng.

02.

Ngày hôm đó, thẩm phán bước vào phòng bệnh với ý định thi hành phán quyết của tòa án và buộc Trần Chí Cường phải xuất viện. Hành lang bệnh viện lúc này giống như một bãi chiến trường, người nhà Trần Chí Cường đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt, luôn tìm mọi cách ngăn chặn hành động của họ.

Trong phòng bệnh, khi thẩm phán nhấc chăn bông lên, họ đều choáng váng trước cảnh tượng trước mắt - Trần Chí Cường đang bị khóa tay vào đầu giường.

Điều này khiến thẩm phán càng thêm bối rối, tại sao Trần Chí Cường lại làm như vậy?

“Nhà đinh” đặc biệt bám trụ 3 năm giữa bệnh viện, dùng camera giám sát phát hiện hành động kinh người: Bệnh viện phải nhờ tới cảnh sát- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sohu

Trần Chí Cường rơm rớm nước mắt, cố gắng đè nén cảm xúc, nhưng nước mắt vẫn từ khóe mắt trượt xuống. Lúc này trông người đàn ông đã không còn vẻ ương ngạnh, cứng đầu như mọi khi mà thật yếu đuối.

"Mọi người có biết tôi đã trải qua những gì trong ba năm qua không?" Trần Chí Cường nói điều này một cách khó khăn, với tiếng nghẹn ngào khàn khàn trong cổ họng.

Thẩm phán chậm rãi đi đến bên giường và nói: "Ông Trần, xin hãy nói cho tôi biết."

"Gia đình tôi vốn dĩ không khá giả," Trần Chí Cường bắt đầu kể, "Tình hình kinh tế những năm gần đây thậm chí còn ì ạch hơn, vợ chồng tôi đều mất việc. Ban đầu chúng tôi dựa vào ngành chăn nuôi để kiếm sống, nhưng mọi thứ đều dần suy giảm, nào là vốn, thức ăn, dịch bệnh... mọi thứ đều khiến chúng tôi khó thở."

Anh ra dừng lại rồi nói tiếp: "Hàng tháng phải nuôi con trai đi học, phải chi trả tiền thuốc men của người lớn trong nhà, nhìn giá sinh hoạt ngày càng tăng… Tôi thực sự không thể chịu nổi. Lúc đó tôi chỉ muốn tìm một lối thoát. Vì vậy, khi gặp tai nạn ở bệnh viện, tôi cảm thấy đây có thể là cơ hội trời cho."

"Tôi biết mình đã làm sai," Trần Chí Cường cúi đầu nói, "Nhưng tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác. Trong tay không có tiền, tôi vốn không thể chi trả hết khoản chi phí chạy chữa thời gian qua. Thế nên tôi mới nằm lỳ ở đây mà không xuất viện. Vợ tôi cũng ở lì trong phòng bệnh để bớt được một khoản thuê nhà. Tôi còn nghĩ nếu có thể ‘ăn vạ’ để bệnh viện bồi thường thì chúng tôi có thể vượt qua được thời điểm khó khăn này."

Thẩm phán im lặng một lúc, khẽ thở dài: "Ông Trần, tôi có thể hiểu được tình thế khó xử và sự quan tâm của ông đối với gia đình. Tuy nhiên, những gì ông làm thực sự là sai trái. Ông đang chiếm dụng nguồn lực công một cách trái phép vì lợi ích cá nhân của mình. Điều này không công bằng đối với những bệnh nhân thực sự cần được chăm sóc y tế."

"Tôi biết... tôi đã sai." Trần Chí Cường nhẹ nhàng nói, "Nhưng tôi thực sự làm điều đó vì gia đình mình."

Thẩm phán nhìn anh ta một cách lặng lẽ và nói:

"Cho dù gia đình ông có gặp khó khăn thì ông cũng không thể làm điều này được. Hành vi của ông không chỉ làm tổn thương bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác. Bản thân ông dành hết thời gian ở đây thì cũng đâu thể ra ngoài lao động kiếm tiền được. Tôi mong ông có thể nhận ra vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề phù hợp".

Trần Chí Cường im lặng một lúc và nặng nề gật đầu.

Vụ việc này đã thu hút sự chú ý rộng rãi, nhiều người đồng cảm với trải nghiệm của Trần Chí Cường nhưng cũng đồng thuận rằng, anh ta phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng.

*Nguồn: Sohu

Phương Thùy

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên